Bộ Tài chính cho biết thu ngân sách 11 tháng năm nay ước đạt gần 1.400 ngàn tỉ đồng, vượt dự toán năm, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2020.
Con số thu ngân sách vượt dự toán cả năm trong 11 tháng hoàn toàn trái ngược với tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Tăng trưởng GDP quý 3 âm 6,17%, mức thấp nhất trong lịch sử ngành thống kê. Và nếu tính chung 9 tháng năm nay thì tăng trưởng GDP cũng chỉ đạt 1,47%, thấp nhất trong cùng kỳ nhiều năm qua.
Nghịch lý tăng trưởng thấp nhưng thu ngân sách lại về đích trước một tháng đến từ biến động giá cả hàng hóa tăng cao thời gian qua. Bối cảnh giá cả tăng kéo theo thu ngân sách tăng cao của hầu hết nền kinh tế làm Chính phủ "vui", nhưng những người giữ tiền sẽ rất buồn khi giá cả tăng nhanh.
Khi giá cả tăng, không chỉ giá trị thực (real value) của các khoản nợ công sẽ giảm, mà các khoản thu ngân sách danh nghĩa (nominal value) như thuế, phí cũng sẽ tăng. Nếu không có gì xảy ra bất thường với thu từ bán tài sản, việc thu ngân sách về đích sớm một tháng là nhờ việc giá cả tăng cao.
Giá cả nhiều lĩnh vực tăng mạnh giúp các doanh nghiệp có doanh thu/lợi nhuận tăng vọt ngay cả khi sản lượng làm ra tăng thấp, số thu thuế VAT, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp... cũng theo đó mà tăng. Đặc biệt giá và giao dịch tài sản như bất động sản, chứng khoán tăng mạnh cũng giúp các loại thuế/phí đánh vào chuyển nhượng tài sản tăng mạnh.
Vấn đề của nền kinh tế hiện nay là làm sao kiềm được giá cả nhưng vẫn thúc đẩy được tăng trưởng kinh tế.
Giá cả phụ thuộc nhiều vào thị trường thế giới nên có những thứ khó kiểm soát, chẳng hạn như giá xăng dầu và nhiều nguyên vật liệu đầu vào phải theo thị trường thế giới. Các biện pháp kiểm soát chủ động từ Chính phủ chỉ bớt được phần nào.
Chẳng hạn Chính phủ có thể giảm bớt các loại thuế, phí đối với mặt hàng xăng dầu. Khi ngân sách đang thặng dư thì Chính phủ có thể bù một phần thuế bảo vệ môi trường, thuế nhập khẩu. Bởi trong tất cả các mặt hàng nguyên vật liệu đầu vào thì xăng dầu ảnh hưởng lớn nhất tới chi phí sản xuất đầu vào của doanh nghiệp. Hơn nữa giá xăng dầu trong nước hiện nay rất cao nên cần giảm bớt thuế, phí để giảm giá bán.
Để giảm chi phí đầu vào cũng cần cân nhắc giảm giá điện, có thể triển khai và kéo dài chính sách hỗ trợ giá điện cho doanh nghiệp, người dân. Với các mặt hàng nguyên vật liệu đầu vào cũng có thể giảm thuế nhập khẩu để hỗ trợ sản xuất. Tất nhiên biện pháp này sẽ khiến hàng ngoại cạnh tranh hơn hàng nội nên cần cân đối ở mức hợp lý.
Ngoài ra, Chính phủ cần kiểm soát cung tiền chặt chẽ, không thể tiếp tục tăng cung tiền mười mấy phần trăm một năm như thời gian qua nữa.
Lạm phát phần lớn đến từ chi phí, đẩy giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh khiến chi phí sản xuất tăng cao. Nếu lúc này bơm quá nhiều tiền vào nền kinh tế, cộng thêm cầu kéo nữa thì lạm phát sẽ tăng rất nhanh.
Việc kiểm soát cung tiền sẽ không mâu thuẫn với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng của Chính phủ. Tiền chỉ là phương tiện thanh toán trong khi tăng trưởng của nền kinh tế còn đến từ nhiều thứ khác. Chẳng hạn Chính phủ có thể đưa ra giải pháp để kích thích đầu tư của tư nhân, tăng đầu tư công hoặc huy động vốn trong dân để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.
Theo Tuổi trẻ