Góc nhìn

Nghĩ về “tiên học lễ, hậu học văn”

DƯƠNG LAN 08/12/2023 07:30

Gia đình và nhà trường chính là nơi giúp các em học lễ nghi, đạo đức trước khi trở thành những học sinh có xuất sắc hay không.

img_4857.jpg
Những cựu học sinh Trường THPT Thanh Hà về thăm thầy cô giáo nhân ngày 20/11 (ảnh minh họa)

Đêm 5/12, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh đã phải ký công văn hỏa tốc gửi UBND tỉnh Tuyên Quang để xác minh, làm rõ vụ việc một số học sinh lớp 7C, Trường THCS Văn Phú, huyện Sơn Dương nhốt cô giáo dạy âm nhạc trong lớp, chửi bới, ném đồ vào người cô. Hành động bất kính của một nhóm học trò đối với cô giáo gây xôn xao mạng xã hội mấy ngày gần đây khiến dư luận không khỏi lo lắng về kỷ cương trường học và đạo đức, lối sống của học sinh. Sự náo loạn trong trường học ở Sơn Dương không chỉ xuất phát từ phía học sinh mà theo ông Bùi Xuân Lượng, Chủ tịch UBND xã Văn Phú, nơi xảy ra sự việc thì "chuyện xuất phát từ hai phía". Cô giáo âm nhạc cũng nhiều lần có phát ngôn và hành động không chuẩn mực với các em.

Từ câu chuyện ở Sơn Dương tôi nhớ đến khẩu hiệu “Tiên học lễ, học học văn” thường được treo trang trọng trong các nhà trường. Nhiều trường còn treo ở sảnh chính hoặc cổng vào để mỗi nhà giáo và học sinh coi đó là bài học nằm lòng trong môi trường giáo dục. Năm 2021, tại Hội thảo giáo dục do Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội tổ chức, giáo sư Trần Ngọc Thêm từng đưa ra một đề xuất khiến dư luận xôn xao là cần chấm dứt sử dụng khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" trong trường học để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo. Sau nhiều tranh luận trái chiều, nhiều trường học vẫn duy trì, nhiều trường học đã bỏ không còn treo khẩu hiệu đó nữa.

Treo hay bỏ khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” không quan trọng mà cần coi đây là triết lý giáo dục, cần được giữ gìn và tôn trọng trong môi trường giáo dục. Nước ta đang từng bước đổi mới giáo dục nhưng không có nghĩa là xóa bỏ hay đoạn tuyệt quá khứ, bỏ đi những giá trị cốt lõi trong nhà trường là học lễ nghi, phép tắc, đạo đức, nền nếp trước sau đó mới đến kiến thức. Sự tôn trọng, phép tắc trong trường học không chỉ học sinh phải thực hiện mà ngay cả giáo viên cũng phải nắm vững và làm gương.

Có thể sẽ không xảy ra sự việc ở Trường THCS Văn Phú nếu cô giáo có hành động, lời nói chuẩn mực, được học sinh tôn trọng và ngược lại học trò biết kính trọng thầy cô.

Còn nhớ hơn 20 năm trước, những học sinh trường làng chúng tôi mỗi khi gặp thầy cô luôn kính cẩn cúi chào. Với chúng tôi thời đó, thầy cô là những người đáng kính và gần gũi. Thậm chí đã có lúc thầy cô dùng thước vụt vào tay hoặc phạt đứng góc lớp vì tội không học bài hoặc có hành vi không đúng mực… nhưng khi ấy chúng tôi luôn chấp nhận hình phạt và coi đó là bài học về đạo đức mà thầy cô dạy cho mình trong trường học.

Nhắc lại chuyện xưa để thấy rằng, trong môi trường giáo dục không thể bỏ triết lý “tiên học lễ”. Bởi nếu học trò giỏi kiến thức nhưng thiếu đạo đức, vô lễ thì cũng khó có thể có một môi trường giáo dục toàn diện và một công dân có văn hóa. Người xưa có câu “có đức mặc sức mà ăn”. Bác Hồ cũng từng dạy “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Điều này cho thấy trong môi trường giáo dục hiện nay vẫn phải coi trọng cả đức và tài. Để làm được điều này, giáo viên phải là người chuẩn mực trước học trò, là tấm gương sáng để các em noi theo. Khi đó tinh thần “tôn sư trọng đạo” mới được khắc ghi.

Bạo lực học đường nảy nở từ chính những hành vi thiếu chuẩn mực ở cả giáo viên và học sinh. Xem video clip ở Trường THCS Văn Phú tôi cũng cảm nhận được tâm tư của những người thầy và sự lo lắng của không ít phụ huynh. Nhưng đừng chỉ lo mà hãy hành động. Gia đình và nhà trường cần là nơi giúp các em học lễ nghi, đạo đức trước khi trở thành những học sinh xuất sắc hay không.

DƯƠNG LAN
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghĩ về “tiên học lễ, hậu học văn”