Làm tốt công tác giáo dục truyền thống tức là giúp thanh niên quân đội “tự miễn dịch” với những âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, “phi chính trị hóa quân đội”... của các thế lực thù địch.
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt coi trọng và đề cao công tác giáo dục thế hệ trẻ, nhất là giáo dục truyền thống lịch sử. Trong cuốn “Lịch sử diễn ca”, Bác Hồ đã mở đầu bằng hai câu: “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Là thế hệ thanh niên, hơn lúc nào hết chúng ta nhất thiết phải hiểu rõ nguồn gốc, truyền thống và bản sắc của dân tộc mình để ngày càng gắn bó máu thịt với quê hương đất nước, với đồng bào mình, không ngừng kế thừa và phát huy tinh hoa tốt đẹp của quá khứ để bảo vệ và xây dựng đất nước.
Ngày nay, trước yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ nói chung, thanh niên quân đội nói riêng là một nhiệm vụ hết sức quan trọng và cần thiết, nhằm gìn giữ, phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc, quân đội, đơn vị. Làm tốt công tác này tức là giúp thanh niên quân đội “tự miễn dịch” với những âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ; “phi chính trị hóa quân đội”... của các thế lực thù địch. Qua đó góp phần hình thành và phát triển phẩm chất, nhân cách của người quân nhân cách mạng, khơi dậy niềm tự hào về lịch sử, truyền thống cách mạng của dân tộc và con đường mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn.
Thời gian qua, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong toàn quân luôn coi trọng công tác giáo dục chính trị gắn với giáo dục truyền thống để nâng cao nhận thức giúp mỗi cán bộ, chiến sĩ càng tự hào và nhận rõ giá trị của cuộc sống hiện tại được đánh đổi bằng bao mồ hôi, xương máu và sự hy sinh dũng cảm của biết bao thế hệ cha anh đi trước mới giành lại được. Từ đó nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, “phi chính trị hóa quân đội” của các thế lực thù địch.
Hoạt động giáo dục truyền thống của các cơ quan, đơn vị trong quân đội được thể hiện đa dạng về hình thức, phương pháp; phong phú về nội dung, bảo đảm sát với tình hình thực tiễn, phù hợp với trình độ, khả năng nhận thức của từng đối tượng. Thông qua đó góp phần giữ vững trận địa tư tưởng, xây dựng niềm tin, bản lĩnh chính trị vững vàng, nâng cao nhận thức, đề cao cảnh giác trước sự chống phá của các thế lực thù địch. Đồng thời phát hiện, phê phán, đấu tranh với những quan điểm, biểu hiện tiêu cực, lạc hậu đi ngược lại với những giá trị truyền thống.
Thực tế cho thấy, trước những khó khăn, vất vả trong học tập, rèn luyện và tác động của cuộc sống xã hội, vẫn còn có một số thanh niên trong quân đội, nhất là những thanh niên mới nhập ngũ còn thiếu ý chí phấn đấu, thiếu bản lĩnh, kinh nghiệm trong cuộc sống, quyết tâm học tập chưa cao, ngại học, ngại rèn và ngại tham gia các sinh hoạt chính trị, xã hội, chưa xác định được lý tưởng sống đúng đắn, coi nhẹ những giá trị truyền thống, nhân văn cao đẹp của dân tộc, bị ảnh hưởng xấu bởi lối sống ngoại lai, sự xâm lăng văn hóa và những tiêu cực mặt trái của cơ chế thị trường.
Để tăng cường công tác giáo dục về lịch sử truyền thống của dân tộc, quân đội và đơn vị cho cán bộ, chiến sĩ, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần quan tâm đúng mức, nghiên cứu toàn diện, từ đó đưa ra những giải pháp đồng bộ, phù hợp, hiệu quả. Cần phát huy tốt vai trò trách nhiệm của cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, nhất là đội ngũ cán bộ giảng dạy chính trị, báo cáo viên, tuyên truyền viên ở cơ sở. Nội dung giáo dục truyền thống cần có sức hấp dẫn, lôi cuốn, phải được cập nhật, bổ sung kịp thời những thông tin, tư liệu mới. Thường xuyên đổi mới phương pháp, cách thức tiến hành sao cho hiệu quả, sáng tạo, mới mẻ, phù hợp với từng đối tượng; kết hợp giáo dục chung với giáo dục riêng, giáo dục cơ bản với giáo dục thường xuyên... Tùy theo điều kiện của từng đơn vị có thể tổ chức lên lớp tập trung hoặc lồng ghép trong các buổi lên lớp chính trị, thông báo thời sự… tăng tính hấp dẫn, thu hút nhiều cán bộ, chiến sĩ tham gia. Đặc biệt, hoạt động tuyên truyền, giáo dục chính trị cần khai thác sâu vào những gương người tốt, việc tốt, về tinh thần hy sinh vì Tổ quốc của các nhân vật lịch sử, tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp và giá trị to lớn về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
NGUYỄN THANH(Quân khu 3)