Chính trị

Những giá trị cốt lõi trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

LÊ VĂN BẰNG, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hải Dương 03/09/2023 18:17

Di chúc là tâm nguyện, tình cảm, ý chí, niềm tin, trách nhiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Tổ quốc, nhân dân và sự nghiệp cách mạng.

bachoaiquoc.jpg
Bác Hồ thăm và tìm hiểu về hoạt động sản xuất của nông dân xã Ái Quốc (nay thuộc TP Hải Dương) năm 1957 (ảnh tư liệu)

Năm 1965, nhân dịp sinh nhật lần thứ 75, vào lúc 9 giờ ngày 10/5/1965 Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bản Di chúc với tiêu đề "Tuyệt đối bí mật" gồm ba trang, do chính Bác đánh máy, ở cuối đề ngày 15/5/1965. Đây là bản Di chúc hoàn chỉnh có chữ ký của Bác và bên cạnh có chữ ký của đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Các năm 1966, 1967, Bác không có những bản viết riêng mà chỉ có những bổ sung của từng đoạn. Và 10 giờ ngày 19/5/1969 Bác đọc lại lần cuối cùng tất cả các bản Di chúc đã viết trước đó, rồi xếp tất cả bỏ vào phong bì và cất đi…

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên được công bố trong Lễ tang của Người tháng 9/1969.


Bản Di chúc có những nội dung cốt lõi: Nói về Đảng; về đoàn viên và thanh niên; về nhân dân lao động; dự báo về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; về phong trào cộng sản thế giới; về một số việc riêng và mong muốn cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc đi xa. Đây là những định hướng lớn cho Đảng ta, cho cách mạng Việt Nam trong xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Di chúc là tâm nguyện, tình cảm, ý chí, niềm tin, trách nhiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Tổ quốc, nhân dân và sự nghiệp cách mạng. Di chúc là tâm nguyện của Người. Ý chí, niềm tin, tinh thần lạc quan cách mạng, trách nhiệm với nhân dân của Người thể hiện sâu sắc ở dự báo về thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ và ngày thống nhất đất nước, ở những chỉ dẫn về công việc của sự nghiệp cách mạng còn dang dở. Di chúc là tâm sự của một người đã suốt đời hy sinh hạnh phúc riêng tư, hiến dâng trọn cuộc đời cho Tổ quốc và nhân dân; là tấm lòng chung thuỷ với “các nước anh em” và “bầu bạn khắp năm châu”...

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hải Dương vinh dự 5 lần được đón Bác về thăm. Khắc sâu lời căn dặn của Người, tỉnh Hải Dương phải “trở thành tỉnh kiểu mẫu”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hải Dương đã luôn đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, vượt mọi khó khăn, thử thách giành nhiều thắng lợi vẻ vang và thành tựu quan trọng trong đấu tranh bảo vệ Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

W_2021-7-17-cau-dinh-1-.jpg
Thực hiện Di chúc của Bác, Hải Dương đã đạt nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, Đảng bộ tỉnh luôn luôn coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong tỉnh đồng sức, đồng lòng thi đua lao động sản xuất và đạt nhiều thành tựu trên các lĩnh vực đời sống kinh tế- xã hội. Từ một tỉnh nông nghiệp lạc hậu, đến nay Hải Dương đang trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế - xã hội của khu vực đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ. Chương trình xây dựng nông thôn mới ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững, Hải Dương là tỉnh thứ 5 trong cả nước được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020.

Diện mạo đô thị, nông thôn có sự khởi sắc rõ nét. Văn hoá, xã hội có bước phát triển mới; an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống nhân dân được nâng lên. Quốc phòng - an ninh được củng cố và giữ vững. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội có bước chuyển biến tích cực. 6 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng kinh tế của Hải Dương đã đạt 7,23%, đứng thứ 15 cả nước và đứng thứ 7 trong vùng đồng bằng sông Hồng.

Tiếp tục hực hiện Di chúc của Người, Đảng bộ tỉnh đang tập trung thực hiện các Nghị quyết Trung ương, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Kết luận số 21-KL/TW Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và Quy định số 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm. Vừa đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng vừa tổ chức thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ lần thứ XIII.

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, nhất là cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng, phát huy cao độ vai trò giám sát, phản biện của các tổ chức chính trị - xã hội, của nhân dân ngay từ khi xây dựng và trong quá trình thực thi chính sách, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa khi mới có dấu hiệu vi phạm. Đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.

Kỷ niệm 54 năm ngày Bác đi xa, ôn lại lời căn dặn của Người trong Di chúc, là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi tổ chức Đảng tự soi lại mình; nguyện mãi đi theo mục tiêu, lý tưởng, con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn. Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Phát huy tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, ra sức đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, khai thác tiềm năng, lợi thế của Hải Dương, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài tỉnh để phát triển nhanh và bền vững. Tập trung làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh.

LÊ VĂN BẰNG, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hải Dương
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những giá trị cốt lõi trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh