Một buổi sớm xuân, anh bạn họa sĩ cùng tôi đi trên con đường quanh công viên Bạch Đằng, bên những hàng cây trổ lá xanh non tơ và những luống hoa đủ màu sắc rực rỡ.
Lòng vui thơi thới, anh chỉ tay lên những cành cây, những chiếc lá bàng mùa đông còn sót lại rực đỏ một màu hồng làm tôi xao xuyến trước khung cảnh mùa xuân đang về.
Trở về phòng vẽ, anh đưa tôi xem bức ký họa với những nét chấm phá giữa khung cảnh mùa xuân, hình một thiếu nữ có mái tóc dài óng ả, khuôn mặt đẹp, cổ thon cao mặc chiếc áo dài truyền thống, gió xuân làm tà áo trong làn mưa xuân mỏng nhẹ bay bay. Thiếu nữ có đôi mắt to đẹp ngước nhìn lên khoảng trời xanh mộng mơ. Anh thì thầm: "Mùa xuân - tình yêu". Tôi hiểu ý anh: Đây là chủ đề của bức tranh anh đang phác họa. Đã là mùa xuân, biểu tượng đẹp nhất là tình yêu. Tình yêu không gì đẹp hơn là thể hiện hình tượng người thiếu nữ kiều diễm với những ước mơ đẹp của mùa xuân. Nhiều nhà văn, họa sĩ viết, vẽ về mùa xuân, nhưng tựu trung lại phải là tình yêu, mà tình yêu phải gắn với mùa xuân, gắn với người đẹp, vì mùa xuân là niềm tin, khát vọng vươn tới.
Ngắm nhìn bức tranh phác thảo "Mùa xuân - tình yêu" của họa sĩ khiến tôi liên tưởng tới bức tranh "Thiếu nữ bên hoa huệ" của cố danh họa Tô Ngọc Vân. Thiếu nữ mặc áo dài trắng bên bông hoa huệ trắng, loại hoa được coi là biểu tượng của sự thuần khiết, trinh nguyên, trong sáng, gợi vẻ đẹp thanh cao. Hay như có những câu thơ ở đâu đó: "Mưa phùn bay rắc nhẹ nước pha màu/Nhà ở bến sông xanh ngát dâu/Cảnh ấy gợi lòng anh thương nhớ. Tranh ấy là em đứng chải đầu".
Như vậy, mùa xuân - tình yêu là lẽ đương nhiên - lẽ đời hòa quyện. Trong bài thơ "Mưa xuân", Nguyễn Bính viết về người con gái quê: "Em ngửa bàn tay trước mái hiên/Mưa thấm bàn tay từng chấm lạnh/Thế nào anh ấy chẳng sang xem". Hẳn thế cho nên trên nhiều trang bìa của các báo, tạp chí xuân - Tết ta thường bắt gặp những nụ cười xuân, những gương mặt ngời sáng tin yêu của những thiếu nữ, có người là hoa hậu, á hậu trong các cuộc thi lớn. Vẻ đẹp ấy đã tượng trưng cho mùa xuân, gọi mùa xuân về.
Mùa xuân nói với ta điều gì? Phải chăng là những triển vọng trên đường đi tới tương lai. Mùa xuân gợi cho ta niềm hy vọng: "Dẫu xa cách vẫn nhớ mùa xuân gọi/Miền quê ấy như bến bờ mong đợi" trong câu hát xuân của người quan họ. Tình yêu làm cho mùa xuân thêm nhiều ý nghĩa.
Mùa xuân - tình yêu mang đến hạnh phúc cho mọi người. Mặc dù trước mắt chúng ta còn nhiều khó khăn, thử thách: Thiên tai, bão lụt, úng hạn, biến đổi khí hậu, đại dịch Covid-19... nhưng không cản được mùa xuân trên đường đi tới hạnh phúc, phồn vinh. Sức sống mùa xuân làm nên sức mạnh phi thường đẩy lùi khó khăn như trong bài thơ "Tự khuyên mình", Bác Hồ đã viết: "Ví không có cảnh đông tàn/Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân".
Chấp nhận thử thách nghiệt ngã ấy để có mùa xuân.
... Vẫn theo mạch suy nghĩ về bức tranh phác thảo "Mùa xuân - tình yêu", tôi hỏi họa sĩ: "Sao vẽ về mùa xuân, cứ phải vẽ thiếu nữ?". Anh cười hồn hậu, không giấu nổi cảm xúc đang dâng trào: "Thiếu nữ là hình tượng của mùa xuân. Mùa xuân chứa đựng trong tâm hồn người thiếu nữ. Khác với tả thực, đây là hình tượng, là biểu cảm để nói lên mùa xuân. Không gì đẹp hơn là hình ảnh thiếu nữ". Rồi anh ngâm hai câu thơ của đại văn hào M.Gorky: "Đời thiếu mẹ hiền, không phụ nữ/Anh hùng, thi sĩ hỏi còn đâu?" với vẻ đầy tâm đắc, phấn chấn.
Mùa xuân - tình yêu là như thế!
VŨ HOÀNG LUYẾN