Lúc được cha cõng ra kinh đô Huế để đi học, qua Đèo Ngang, cậu bé Tất Thành đã viết hai bài thơ như dự báo về con đường "vượt biển lớn" của mình.
Đó là câu chuyện được người anh Nguyễn Sinh Khiêm của Chủ tịch Hồ Chí Minh kể lại trong cuốn sổ tay Tất Đạt thông ngôn (quyển ghi chú sau này được trao gửi cho nhà văn, nhà báo lão thành Sơn Tùng).
Cụ Sinh Khiêm viết rằng: "Cha quyết định đưa gia đình vào Huế để các con đi học, vì Huế là cái nôi của văn hóa dân tộc Việt Nam hồi cuối thế kỷ XIX. Trên đường vào kinh đô Huế, anh Sinh Khiêm đi bộ, chân mang dép mo cau, hai bàn chân bị sưng, rất đau, còn em Tất Thành thì được cha cõng trên lưng.
Đến Đèo Ngang, cả nhà ngồi nghỉ ăn cơm, lấy sức để leo đèo. Anh Sinh Khiêm ngồi ôm chân đau, còn em thì hỏi cha về núi, về biển, về thuyền buồm. Ngay sau đó ứng khẩu hai bài thơ...", cựu Đại sứ Việt Nam tại Cuba, tác giả Võ Anh Tuấn viết trong cuốn sách Một lòng theo Bác (Nhà xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh ấn hành nhân dịp kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh).
Theo đó, bài thơ thứ nhất Bác viết về hình ảnh cha cõng con qua núi. Bài thứ hai có nội dung: "Biển là ao lớn/ Thuyền là con bò/ Bò ăn no gió/ Lội trên mặt nước/ Em nhìn thấy trước/ Anh trông thấy sau/ Ta lớn mau mau/ Vượt qua ao lớn".
Hai bài thơ này mãi đến năm 1980 mới được in lần đầu trên Văn nghệ xuân, sau đó in trong cuốn Búp sen xanh của nhà văn, nhà báo Sơn Tùng.
Tác giả Võ Anh Tuấn chia sẻ, do nhu cầu ngoại giao, ông có dịp tiếp xúc với lý lịch của khá nhiều nguyên thủ quốc gia trên thế giới. Nhưng ''không một vị nào như Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ lúc thiếu thời đã manh nha thiên tài xuất chúng và hoài bão lớn, suốt đời đem trái tim và khối óc, tinh thần và nghị lực, để thực hiện cho bằng được lý tưởng cứu nước, giải phóng dân tộc, bất chấp mọi gian khổ, hiểm nguy đến tính mạng, không mảy may toan tính lợi ích cá nhân".
NGỌC TUYỂN (st)