Tú Mỡ tên thật là Hồ Trọng Hiếu, sinh năm 1900, mất năm 1976, một nhà thơ nổi tiếng của nước ta.
Ông tuy là công chức nhưng vẫn ôm mộng theo nghiệp văn chương. Sau được nhà văn Nhất Linh yêu quý, mời về làm việc và thành một cộng sự đắc lực viết cho báo Phong Hóa, Ngày Nay trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn.
Tòa soạn báo ở số 80 phố Quán Thánh (Hà Nội), ban đầu có 5 người, trong đó có hai người là Hoàng Đạo và Tú Mỡ đang làm công chức nhà nước. Tú Mỡ vốn là Thư ký Sở Tài chính, còn Hoàng Đạo làm Tham tá lục sự tòa án, nên họ vừa lo việc công sở lại đảm đương công việc báo đã giao. Chủ bút Nhất Linh phân công cho từng người đảm nhiệm từng công việc. Ví dụ mục "Giòng nước ngược" do Tú Mỡ phụ trách, chuyên viết bài trào lộng, đả kích.
Một lần đi thực tế ở Trung Hà ( Sơn Tây), gặp một xe ô tô có hai người chạy theo che lọng cho mui xe. Biết đấy là bọn quan lại tham nhũng nên về nhà Tú Mỡ đã viết bài châm biếm:
Có khi đón các ông to
Cái ngài ấy ngự ô tô tân thời
Bốn thằng nửa ngợm nửa người
Chạy theo vác lọng che ngoài mui xe.
Có thời kỳ Tú Mỡ bị Giám đốc Sở Tài chính dọa cách chức và bỏ tù, bắt cam đoan không được cộng tác với báo chí nữa. Tháng 9/1940 Nhật vào chiếm Đông Dương và sau đó đảo chính Pháp. Báo Ngày Nay lại tục bản. Tú Mỡ lại tung bút đả kích bọn cầm quyền.
Kể từ khi Chính phủ Bình dân lên cầm quyền ở Pháp, ở Việt Nam được cởi mở hơn trong sinh hoạt báo chí. Các nhà báo dễ thở hơn. Tú Mỡ không chỉ làm thơ trào phúng còn làm thơ trữ tình.
Báo Ngày Nay làm ăn càng phát triển, Nhất Linh cho xây dựng nhà in riêng, không phải in thuê bên ngoài nữa. Để chào mừng sự kiện này, báo đã ra vế xuất đối như sau để kính báo với bạn đọc: “Ngày Nay ngày nay in nhà in nhà”.
Quả là một vế xuất đối khá hóc, không có ai đối được, nhưng bạn đọc cả nước rất đỗi vui mừng.
Khi toàn quốc kháng chiến năm 1946, Tú Mỡ theo Bộ Tài chính lên chiến khu Việt Bắc, rồi ít lâu sau chuyển sang công tác văn hóa văn nghệ. Từ đó bút danh Tú Mỡ trở thành Bút Chiến Đấu. Chuyên mục "Giòng nước ngược" đã hoá thành chuyên mục "Nụ cười kháng chiến". Thỉnh thoảng ông đi công tác lại gặp nhà thơ Thế Lữ, Xuân Diệu từng cộng tác với báo Phong Hóa, Ngày Nay - cơ quan ngôn luận chính thức của Tự Lực Văn Đoàn. Họ lại hả hê trò chuyện, ôn lại một thời.
KHÚC GIA TRANG