Thanh toán không dùng tiền mặt là xu thế tất yếu song cần lộ trình phù hợp để thực hiện trên diện rộng.
Một bạn đọc mới đây gửi bài đến Báo Hải Dương nói rằng ông rất băn khoăn khi nghe loa phường thông báo những người được hưởng chính sách người có công, người tàn tật, người cao tuổi và hộ nghèo ra phường để được hướng dẫn mở tài khoản ngân hàng nhận trợ cấp xã hội hằng tháng.
Băn khoăn vì hầu hết những đối tượng này đều cao tuổi, sức khỏe yếu, không thành thạo công nghệ thông tin. Với họ, tiền chuyển vào tài khoản tưởng là tiện mà lại không tiện. Tiện là vì thời kinh tế số, người ta khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt. Chuyển tiền trợ cấp xã hội qua tài khoản thì sẽ tiết kiệm nhân lực làm nhiệm vụ đi chi trả hằng tháng, tiết kiệm nhân lực làm nhiệm vụ bảo vệ tiền mặt. Tất nhiên, với người thụ hưởng, nếu họ thường xuyên giao dịch bằng internet banking, quẹt thẻ khi thanh toán việc này đương nhiên rất tiện lợi.
Nhưng như đã nói ở trên, đa số người hưởng chính sách xã hội, người nghèo, người khuyết tật đều ít khi sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Câu chuyện này làm tôi nhớ cách đây chưa lâu, khi Điện lực TP Hải Dương thông báo sẽ đóng cửa các quầy thanh toán trực tiếp vào tháng 11.2023 tới đây để chuyển sang thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt, nhiều người dân TP Hải Dương cũng bày tỏ băn khoăn với chủ trương này. Điều mà người dân băn khoăn cũng vẫn là chuyện người già sống xa con cháu, không biết chuyển tiền, thanh toán qua tài khoản, nếu không có người giúp thì phải làm thế nào?
Trong khi người dân còn chưa hết băn khoăn thì gần đây ngành công an, ngân hàng liên tiếp cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo, giả mạo tin nhắn chuyển khoản ngân hàng để chiếm quyền kiểm soát tài khoản ngân hàng, chiếm đoạt tiền trong tài khoản của người dân. Những bất an đối với người dùng thẻ ngân hàng càng làm cho người sắp được mở thẻ tới đây thêm lo lắng.
Nói như vậy không phải để chúng ta chùn bước trong việc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số. Thanh toán không dùng tiền mặt sẽ vẫn là xu thế tất yếu. Nó góp phần minh bạch hóa các khoản thanh toán, giải phóng sức lao động, tiết kiệm nhân công và nhiều chi phí không cần thiết khác. Các nước càng phát triển, văn minh thì tỷ lệ giao dịch không dùng tiền mặt càng cao.
Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, cần có lộ trình và phân loại đối tượng sử dụng phù hợp. Ví dụ, với người từ 70 tuổi trở lên, nếu bản thân họ không có nhu cầu được dùng thẻ ngân hàng thì nên giữ cách làm truyền thống là chi trả trợ cấp xã hội, thanh toán tiền điện bằng tiền mặt. Với người từ 60 - 70 tuổi thì tuyên truyền, vận động khuyến khích họ sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Với người dưới 60 tuổi, việc này đương nhiên không phải bàn.
Cùng với việc mở rộng diện thanh toán, chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt, cũng cần tăng cường việc bảo mật, bảo đảm an toàn tiền mặt cho người dùng trước nạn lừa đảo đang tăng như hiện nay.
HOÀI DƯƠNG