Lo ngại việc hủy tài khoản ngân hàng

08/10/2020 13:38

Ngân hàng Nhà nước đang đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định trong Thông tư 47/2014/TT-NHNN về an toàn bảo mật với trang thiết bị phục vụ thanh toán thẻ ngân hàng.

Theo đó, dự thảo quy định mới về việc hủy tài khoản ngân hàng không hoạt động trong 90 ngày đang thu hút sự quan tâm, chú ý của dư luận. Nếu được triển khai trong thực tế, quy định này có thể tạo nhiều khó khăn, vướng mắc cho những người có tài khoản ngân hàng và các hoạt động liên quan. 

Hiện có hàng triệu thẻ ngân hàng tồn tại trên thị trường nhưng không được sử dụng tới, không phát sinh giao dịch. Tuy nhiên, không thể coi những thẻ ngân hàng này là “rác” như sim điện thoại “rác” bởi quy định về mở tài khoản của ngân hàng vốn rất chặt chẽ. Mỗi tài khoản phải gắn với một người cụ thể (đại diện bằng số chứng minh nhân dân, căn cước công dân hoặc hộ chiếu) và được nhân viên ngân hàng xác thực; không thể đăng ký hộ hoặc lập tài khoản ngân hàng khống giống như sim điện thoại. Vì thế, không thể đối xử với tài khoản ngân hàng giống như sim điện thoại "rác".

Việc một người có nhiều tài khoản ở các ngân hàng khác nhau là rất phổ biến. Có nhiều lý do để họ không sử dụng một tài khoản nào đó trong một khoảng thời gian. Ví dụ, nhiều người sử dụng mỗi tài khoản cho một mục đích riêng, có tài khoản để nhận thù lao công việc, tiền hàng; có tài khoản để chuyển tiền cho người khác; có tài khoản chỉ để thanh toán vé máy bay… Một tài khoản vài tháng mới có một giao dịch là bình thường. Hoặc có những người đi du lịch, lao động ở nước ngoài, nằm viện chữa bệnh một thời gian, không sử dụng tới tài khoản ngân hàng. Nếu chỉ 90 ngày không có giao dịch mà hủy tài khoản thì ảnh hưởng rất lớn tới những trường hợp như vậy, là những người vẫn có nhu cầu và thực sự đang sử dụng tài khoản. Vì vậy, cần xem xét lại quy định khoảng thời gian 90 ngày bởi 90 ngày là rất ngắn và không hợp lý. 

Quy định hủy tài khoản cũng khiến nhiều người băn khoăn bởi không hiểu như thế nào là “không sử dụng, hết hạn sử dụng, không hoạt động”. Khi trong tài khoản vẫn còn tiền dù rất ít thì hằng tháng vẫn được ngân hàng cộng tiền lãi suất. Phí duy trì tài khoản được các ngân hàng tự động trừ… Những giao dịch tự động như vậy liệu có được tính là hoạt động hay không? Những tài khoản đang còn tiền nhưng không phát sinh giao dịch thì khi bị hủy, tiền đó sẽ được xử lý như thế nào? Câu hỏi tương tự cũng đặt ra đối với những tài khoản nợ, có số dư âm. Quy định cần làm rõ được những câu hỏi này để người dân hiểu, từ đó quyết định sử dụng tài khoản của mình như thế nào cho phù hợp.

Có nhiều sự tranh chấp về tài sản liên quan đến giao dịch thực hiện qua tài khoản ngân hàng. Nếu ngân hàng tự động hủy tài khoản không hoạt động sau 90 ngày thì sẽ gây nhiều khó khăn cho việc xử lý những tranh chấp đó.

Dự thảo quy định mới này được đưa ra nhằm mục đích giảm thiểu rủi ro an ninh mạng, hạn chế tình trạng lừa đảo qua tài khoản ngân hàng. Nhưng trên thực tế, việc phát sinh nhiều tài khoản ngân hàng không có hoạt động có cả những nguyên nhân nằm từ phía ngân hàng chứ không phải khách hàng. Nhiều ngân hàng muốn tăng số lượng khách hàng nên tìm mọi cách để mở thẻ mới, khuyến mãi, có cả những cách gần như ép buộc khách hàng. Ví dụ như ngân hàng liên kết với một số đơn vị để các giao dịch của khách hàng với đơn vị đó buộc phải thực hiện qua tài khoản ngân hàng mình dù khách hàng đã có tài khoản ở ngân hàng khác (ví dụ chi trả lương hưu, trợ cấp thất nghiệp, vay vốn thế chấp…). Vậy là khách hàng buộc phải mở tài khoản ở ngân hàng đó chỉ để thực hiện một loại giao dịch nào đó. Sau khi giao dịch đó hoàn thành thì họ không sử dụng tài khoản đó nữa. Vì thế, để giảm số lượng tài khoản không có hoạt động thì các ngân hàng nên siết chặt từ khâu mở tài khoản chứ không phải tìm mọi cách tăng số thẻ, số tài khoản cho cả những người không có nhu cầu rồi lại tự động hủy tài khoản của cả những người có nhu cầu. 

THÁI HÒA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lo ngại việc hủy tài khoản ngân hàng