Bí người, phương tiện tiêu hủy lợn

19/04/2019 08:51

Trong khi bệnh dịch tả lợn châu Phi lan rộng ra toàn tỉnh thì hầu hết các địa phương đều đang gặp khó khăn về nhân lực, kinh phí, trang thiết bị phục vụ việc tiêu hủy lợn bệnh.


Lực lượng tiêu hủy lợn ở xã Nam Trung (Nam Sách) thiếu trang phục bảo hộ

Bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã lan rộng ra toàn tỉnh làm cho số lượng lợn phải tiêu hủy ngày càng lớn. Việc này không chỉ gây thiệt hại cho người chăn nuôi mà còn làm cho nhiều địa phương khó tiêu hủy do thiếu nhân lực và trang thiết bị.

Thiếu nhiều  bề

Ngày 7.4, bệnh DTLCP bùng phát ở 8 hộ dân tại thôn Mạn Đê, xã Nam Trung (Nam Sách). Chính quyền xã đã phối hợp với lực lượng chức năng tiêu hủy hơn 100 con lợn với trọng lượng khoảng 5 tấn. Dịch bệnh bùng phát làm lực lượng chức năng không kịp trở tay. Để tiêu hủy lợn đòi hỏi phải có đầy đủ các lực lượng gồm: dân quân tự vệ, công an và thú y xã, nhưng đội ngũ này lại chưa được trang bị quần áo bảo hộ, găng tay mà vẫn sử dụng quần áo thông thường và dùng tay trần để vận chuyển lợn. Trong khi virus bệnh DTLCP rất dễ lây lan và tồn tại lâu trong môi trường, việc thiếu dụng cụ bảo hộ sẽ dễ lây ra các nơi khác.

Hiện nay, tình trạng thiếu dụng cụ, phương tiện phục vụ việc tiêu hủy lợn xảy ra ở nhiều địa phương. Ngày 12.4, chứng kiến lực lượng chức năng của huyện Kinh Môn và xã Minh Hòa tiêu hủy con lợn nái có trọng lượng rất lớn (khoảng 4 tạ) của gia đình chị Nguyễn Thị Nhâm ở thôn Nội mới thấy hết sự vất vả của những người thực hiện công việc này. Không có cân đáp ứng được yêu cầu nên lực lượng chức năng phải đo chiều dài, vòng ngực của con lợn để ước tính trọng lượng. Theo Luật Thú y, trước khi giết thịt hoặc tiêu hủy, nếu con vật còn sống phải làm giảm đau đớn, hoảng sợ cho con vật bằng cách sử dụng kích điện. Tuy nhiên, do không có kích điện nên con lợn nhà chị Nhâm vẫn được để sống và đưa lên xe vận chuyển ra khu vực tiêu huỷ. Còn với một số gia đình khác có lợn bị tiêu hủy nhưng trọng lượng nhỏ hơn, lực lượng chức năng dùng búa đập chết con vật trước khi vận chuyển đi tiêu hủy.

Hầu hết các địa phương đều đang thiếu nhân lực, nhất là cán bộ để thực hiện 2 khâu quan trọng nhất của việc tiêu hủy là kiểm đếm số lượng lợn, xác định trọng lượng và hướng dẫn đào hố, phun thuốc tiêu độc, khử trùng. Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Kinh Môn cho biết: "Ngoài việc cử cán bộ dập dịch, chúng tôi còn phải giám sát cả những xã chưa có dịch. Để hạn chế sự lây lan của bệnh dịch, chúng tôi thực hiện theo nguyên tắc những người đã đến các vùng dịch thì không được đến những xã chưa có dịch và ngược lại. Vì thế, từ khi có dịch đến nay, cả 10 người của trung tâm phải làm việc hết công suất, không quản ngày đêm, ngày nghỉ. Ai cũng mệt mỏi nhưng vẫn phải cố gắng".

Theo đánh giá của nhiều địa phương, việc huy động nhân lực đào hố chôn lấp, vận chuyển lợn gặp nhiều khó khăn khi số lượng lợn tiêu hủy ngày càng lớn. Việc chi trả công phun thuốc, công tiêu hủy và tiền thuốc khử trùng do xã tự ứng trước, trong khi nguồn ngân sách hạn chế nên các xã cũng gặp khó khăn khi mua sắm phương tiện, dụng cụ, thậm chí một số xã phải nợ.


Nhiều nơi thiếu dụng cụ giảm hoảng sợ, đau đớn cho lợn trước khi đưa đi tiêu hủy

Cần tăng cường phối hợp

Tại xã Thái Hòa (Bình Giang), khi xảy ra ổ dịch đầu tiên, chính quyền cũng như đội ngũ thú y xã rất loay hoay. Ban đầu, lực lượng chính của đội tiêu hủy lợn là thành viên của Ban Thú y xã song chủ yếu là những người nhiều tuổi nên không thể vận chuyển được những con lợn có trọng lượng lớn. Vì vậy, xã đã thành lập đội tiêu hủy gồm 10 người, trong đó công an và dân quân tự vệ xã là lực lượng chính, còn đội ngũ thú y chỉ có nhiệm vụ xử lý ổ dịch và hướng dẫn người dân phun thuốc tiêu độc, khử trùng chuồng trại. Bà Nhữ Thị Thanh, Trưởng Ban Thú y xã Thái Hòa cho biết: "Để xử lý ổ dịch có hiệu quả cần các ban, ngành của xã vào cuộc. Đội tiêu hủy cần phải bảo đảm có sức khỏe để xử lý được số lượng lớn lợn bệnh".

Huyện Ninh Giang hiện đang là một trong những điểm nóng của tỉnh về bệnh DTLCP khi tất cả 28 xã, thị trấn đều xuất hiện bệnh dịch. Số lượng tiêu hủy hiện đã lên đến hơn 8.700 con lợn, tổng trọng lượng 454,7 tấn. Khối lượng lợn tiêu hủy lớn, trong khi lực lượng tiêu hủy hạn chế nên có nơi đã phải nhờ đến sự hỗ trợ của người dân. Theo ông Bùi Minh Chương, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Giang, ở những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chỉ có 1- 2 con, sau khi lực lượng chức năng cân đếm lợn, người dân tự đào hố chôn trong vườn nhà và thực hiện các biện pháp tiêu độc, khử trùng theo hướng dẫn của cán bộ thú y.

Theo nhận định của Chi cục Thú y tỉnh, bệnh DTLCP vẫn còn diễn biến phức tạp, số xã, thị trấn và số lợn bị bệnh dịch dự kiến sẽ còn tăng nên việc tiêu hủy sẽ gặp nhiều khó khăn. Để tiêu hủy đúng quy định, nhanh chóng, các xã cần tổ chức lực lượng tiêu hủy phù hợp, bảo đảm sức khỏe. Ngoài lực lượng chức năng ở cơ sở, các xã có thể thuê thêm người để tiêu hủy lợn dễ dàng hơn.

NGỌC THỦY -TRẦN HIỀN

(0) Bình luận
Bí người, phương tiện tiêu hủy lợn