Khi nam nông dân làm công tác dân số

19/06/2019 18:59

Năm 2010, Hội Nông dân tỉnh triển khai thí điểm thành lập Câu lạc bộ (CLB) “Nam nông dân với công tác dân số” ở một số huyện.


Thành viên Câu lạc bộ “Nam nông dân với công tác dân số” thôn Phương Bằng, xã Hồng Hưng  (Gia Lộc) chia sẻ những câu chuyện về dân số-KHHGĐ với các hội viên nông dân

Viêc này nhằm tuyên truyền, nâng cao sự hiểu biết cho các hội viên về công tác dân số - KHHGĐ. Đến nay số CLB đã tăng lên 9. Các CLB này đã cho thấy vai trò, hiệu quả khi nam giới trở thành những tuyên truyền viên tích cực. 

CLB “Nam nông dân với công tác dân số” ở thôn Phương Bằng, xã Hồng Hưng (Gia Lộc) là một trong những CLB được thành lập đầu tiên trên địa bàn tỉnh. Ông Phạm Duy Ước, Chủ nhiệm CLB cho biết Ban chủ nhiệm đã chủ động phối hợp với Ban Dân số của xã tuyên truyền, tư vấn cho các thành viên CLB những kiến thức về sức khỏe sinh sản, công tác dân số - KHHGĐ. Dần dần suy nghĩ của nhiều thành viên đã thay đổi khi tham dự các buổi sinh hoạt định kỳ, nghe các thông tin, tài liệu về chính sách dân số với những ví dụ, câu chuyện cụ thể trong thôn, xã.

Ông Ước vừa là Chi hội trưởng Chi hội Nông dân, Chủ nhiệm CLB Chèo truyền thống và CLB Nuôi thủy sản của thôn. Ông sáng tạo, khéo léo lồng ghép các thông điệp về chính sách dân số như không sinh con thứ ba, không trọng nam khinh nữ... vào thơ ca, làn điệu chèo.  Tham gia CLB, các thành viên trong độ tuổi sinh đẻ ký cam kết không sinh con thứ ba, nắm bắt tư tưởng rồi vận động các cặp vợ chồng trong khu xóm nơi mình sinh sống nên dừng ở 2 con để nuôi dạy cho tốt... Các thành viên còn cùng trao đổi về kinh nghiệm trong sản xuất, phát triển kinh tế; đảm nhiệm nhiều công việc của xóm, thôn để có thêm kinh phí cho quỹ tình nghĩa, thăm hỏi, động viên thành viên khi ốm đau, hoạn nạn. Những hoạt động này đã thu hút nhiều người tham gia. Đến nay, CLB có 43 thành viên, người ít tuổi nhất ngoài 30, người nhiều nhất đã gần 70 tuổi. Ông Phạm Văn Ngọc (56 tuổi), thành viên CLB cho biết: “Trước đây, tôi cứ nghĩ những câu chuyện xung quanh vấn đề sinh đẻ, KHHGĐ khó nói, tế nhị, nhưng giờ chúng tôi có thể dễ dàng chia sẻ với nhau khi anh em có dịp gặp gỡ, chuyện trò”.

Thành lập từ năm 2012, đến nay, CLB “Nam nông dân với công tác dân số” ở thôn Tống Xá, xã Thanh Quang (Nam Sách) có gần 40 thành viên. Vì công việc bận rộn nên CLB thường tổ chức sinh hoạt vào buổi tối theo định kỳ. Việc lựa chọn nam nông dân để tuyên truyền có nhiều khác biệt so với nữ giới. Đối với phụ nữ, khi được tiếp nhận các thông tin qua các buổi tuyên truyền, họ thường mất nhiều lần trao đổi, thuyết phục, bàn bạc với chồng trong việc sinh con. Còn khi tham gia sinh hoạt CLB, các nam nông dân hiểu rõ, nắm chắc các chính sách về dân số, họ trực tiếp trao đổi, trò chuyện với hội viên nam khác cũng dễ dàng, thuận lợi hơn. Hiện nay, nhiều cặp vợ chồng trẻ đã không còn quá nặng nề việc phải có bằng được con trai nhưng họ thường chịu sức ép, áp lực từ chính bố mẹ, ông bà. Các thành viên của CLB đã trở thành tuyên truyền viên trong chính gia đình, cởi bỏ áp lực, tạo tâm lý thoải mái cho con cháu. Mỗi buổi sinh hoạt, thành viên được thảo luận, tư vấn theo những chủ đề khác nhau. Để nội dung sinh hoạt phong phú, hấp dẫn, ban chủ nhiệm còn cung cấp báo, tạp chí; tuyên truyền về phòng chống bạo lực gia đình, lồng ghép các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của địa phương. Họ giới thiệu những mô hình sản xuất, phát triển kinh tế, kinh doanh giỏi để các thành viên có cơ hội học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm. Hằng năm, CLB tổ chức tham quan, tạo sự phấn khởi cho các thành viên.  

Hiện nay, mỗi CLB “Nam nông dân với công tác dân số” có từ 30-50 thành viên. Các CLB đã góp phần thay đổi, nâng cao nhận thức của hội viên nam, mang lại hiệu quả tích cực đối với công tác dân số - KHHGĐ của địa phương.

HUYỀN TRANG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khi nam nông dân làm công tác dân số