Vô địch Serie A giờ không còn là điều gì đó quá lớn lao với Juventus khi Cristiano Ronaldo đã có mặt tại Turin. Giấc mơ với CR7 buộc phải đi xa hơn thế.
112 triệu euro là con số mà thế giới có lẽ đã nằm lòng về giá trị của Cristiano Ronaldo từ Real Madrid để tới Juventus. Song số tiền thực chất mà Juve bỏ ra để có CR7 lên tới gần 400 triệu euro, bao gồm tiền phí chuyển nhượng, tiền lương 30 triệu euro mỗi mùa mà tất cả thấy chỉ là lương sau thuế. Tóm lại, Juve đã trả một khoản tiền không tưởng nếu so sánh với tiềm lực tài chính ở Italy để có chữ ký của CR7.
Với số tiền ấy, người ta kỳ vọng ở Juve nhiều hơn là chức vô địch Serie A.
Mọi thứ bắt đầu vào trận tứ kết lượt đi Champions League 2017/18 giữa Real Madrid và chính Juventus, thời điểm mà lịch sử Champions League chứng kiến một trong những siêu phẩm đẹp nhất sân chơi này. Phút 64, Ronaldo nhận thấy đường chuyền của Dani Carvajal đi quá tầm, anh lập tức tung người trên không và thực hiện cú "ngả bàn đèn".
Quyết định ấy của CR7 đưa bóng đi thẳng vào lưới Gianluigi Buffon trong sự ngỡ ngàng của các CĐV Juventus có mặt tại sân Allianz Stadium. Khung cảnh tuyệt vời diễn ra ngay sau đó: những đám đông vỗ tay tán thưởng CR7. Trong cả sự nghiệp lẫy lừng với 5 Quả bóng vàng, đó mới là lần đầu tiên Ronaldo được khán giả của CĐV địch thủ tán thưởng.
Chính CR7 sau này thừa nhận khoảnh khắc bắt đầu nhen nhóm trong anh quyết định rời Real Madrid để tới Juve thi đấu.
“Hãy mang Ronaldo tới đây đi Jorge!”, một CĐV Juve hét lên với người đại diện khét tiếng Jorge Mendes trong buổi lễ ra mắt hậu vệ Joao Cancelo tại Allianz Stadium đầu tháng 7 theo Calciomercato. Jorge Mendes quay lại và mỉm cười. Ít ai biết vào thời điểm đó, những ý tưởng mang Ronaldo về Juve đã nhen nhóm.
Sau khi Bồ Đào Nha bị loại khỏi World Cup, tiến trình mang Ronaldo về sân Allianz Stadium được đẩy mạnh để sau cùng quả bom nổ vào ngày 10.7.2018. 112 triệu euro được Juve chuyển tới Madrid để đổi lại Cristiano Ronaldo.
Những hiệu ứng mà Ronaldo tạo ra tại Juventus là không tưởng. Có tới 520.000 chiếc áo số 7 của Juve được bán ra chỉ sau 24 giờ tính từ thời điểm công bố chữ ký của CR7. Tại Tây Ban Nha, quốc gia mà CR7 rời đi, lượng áo Juve tiêu thụ cũng tăng đột biến.
Hồi tháng giữa tháng 2, trang Sportbibletính toán các tài khoản mạng xã hội của Juve đã tăng 30% lượt người theo dõi sau khi Ronaldo đặt chân xuống Italy. Giá trị cổ phiếu của “Bà đầm già thành Turin” từ ngưỡng chỉ 0,69 euro mỗi cổ phiếu vào thời điểm chưa có bất kỳ tin đồn nào về việc CR7 tới Juve giờ đang ở mức 1,25 euro mỗi cổ phiếu, tức tăng 81%.
Bài đăng với dòng trạng tháng “Forza Juve” (Tiến lên Juve) của Ronaldo trên trang cá nhân được 11,4 triệu người dùng nhấn nút yêu thích, nhiều thứ 5 trong lịch sử của ứng dụng ăn khách này.
Là quốc gia nổi tiếng về sự bảo thủ trong việc phát triển bóng đá, nhưng người Italy đều đặc biệt hào hứng vì sự xuất hiện của CR7. Fabio Capello nói Ronaldo sẽ giúp Serie A ngẩng cao đầu trở lại với thế giới. Trong khi, Christian Vieri ví von giải đấu số một xứ sở mỳ ống sẽ “trúng độc đắc” khi có mặt Ronaldo.
Ronaldo không mất quá nhiều thời gian để chinh phục Serie A và Juventus. Anh nhanh chóng trở thành thần tượng tại sân Allianz Stadium. CĐV Juve yêu mến anh vì 27 bàn thắn trên mọi đấu trường. Họ sẵn sàng tạo ra âm thanh “Siiii” đầy phấn khích kéo dài mỗi khi Ronaldo có bàn thắng.
Ban lãnh đạo Juve hài lòng khi thấy con gà đẻ trứng vàng của mình phát huy hiệu quả cả trong lẫn ngoài sân cỏ.
Những đồng đội cũng thán phục Ronaldo. "Ronaldo luôn tích cực, anh ấy luôn là người đầu tiên động viên những cầu thủ khác. Thái độ với tập luyện của anh ấy thật đáng kinh ngạc, cứ mỗi buổi tập là chúng tôi lại thấy anh ấy tập thêm trong phòng gym", Leonardo Bonucci nói với tờ AS.
Không thể tin những gì Ronaldo đang thể hiện ở các buổi tập. Anh ấy lao vào tập luyện từ lúc chúng tôi chưa có mặt. Khi toàn đội ra về, Ronaldo vẫn nán lại thêm một thời gian. Tôi chưa từng thấy cầu thủ nào chuyên nghiệp như Ronaldo”, Douglas Costa cũng đặc biệt bày tỏ sự thán phục với người đồng đội.
Những CĐV đối thủ của Juve cũng háo hức khi CR7 xuất hiện. Vé vào sân xem Ronaldo thi đấu “cháy” tại Italy, CĐV Genoa còn kiện đòi hoàn tiền vé khi Juve không để CR7 ra sân trong cuộc đối đầu giữa hai đội.
Tại Serie A, Ronaldo ghi 20 bàn cho Juve khi mùa giải còn chưa kết thúc, nhiều hơn bất kỳ cầu thủ nào. Sự xuất hiện của Ronaldo còn trực tiếp nâng tầm những người chơi cạnh anh như Mario Mandzukic và đặc biệt là Moise Kean. Chân sút sinh năm 2000 đã bùng nổ cho Juve trong mùa này với 7 bàn.
Chính Kean thừa nhận Ronaldo là niềm cảm hứng và là người chỉ bảo anh rất nhiều bên ngoài sân tập.
Một bộ phận giới mộ điệu luôn ném về phía Ronaldo những cái nhìn thiếu thiện cảm khi coi anh kiêu ngạo, luôn chỉ nghĩ đến bản thân mình. Song nếu lắng nghe những ảnh hưởng tích cực mà Ronaldo tạo ra tại Juventus, mới thấy không quan điểm nào trong số đó chính xác. Ronaldo là một nhân vật có sự tin tuyệt đối vào bản thân và với những gì đã làm được, anh có quyền tự tin như thế.
Ronaldo là không đủ để chinh phục Champions League
Khi Juve bỏ 112 triệu euro để đưa Ronaldo về từ Real Madrid, họ kỳ vọng mình sẽ có một siêu sao thay đổi bộ nhận diện của CLB, mang về những chiến thắng, và đặc biệt là chức vô địch Champions League, danh hiệu Juve vẫn mong chờ mòn mỏi từ năm 1996.
Ronaldo làm được mọi điều, nhưng lại thất bại trong điệp vụ quan trọng nhất là chinh phục châu Âu cho Juventus.
Bất chấp việc bắt đầu cuộc chơi bằng chiếc thẻ đỏ trực tiếp trước Valencia, Ronaldo vẫn thể hiện đẳng cấp tuyệt đối của mình khi giải đấu bước tới vòng knock-out. Anh lập hat-trick giúp Juve thắng Atletico Madrid 3-0 trong trận lượt về dù thua 0-2 trong trận lượt đi để đi tiếp, điều chưa từng xảy ra trong lịch sử “Bà đầm già”.
Tuy nhiên, tới khi đối đầu với Ajax tại tứ kết, một mình Ronaldo là không đủ. Anh ghi 2 bàn trong cả hai lượt trận, nhưng phần còn lại của đội hình Juve tỏ rõ sự mệt mỏi, thiếu kết dính. HLV Max Allegri cũng liên tiếp gặp những sai lầm chiến thuật.
Sau khi thất bại, mẹ của Ronaldo kể với báo chí rằng con trai bà đã cúi đầu nói: “Mẹ, con không thể tạo ra điều kỳ diệu được nữa”. Đó là lần đầu sau 9 năm liên tiếp, Ronaldo không thể đặt chân tới vòng bán kết Champions League. Một dấu hiệu của sự sa sút? Có thể.
Ronaldo đã có 27 bàn cho Juve mùa này, không nhiều bằng bất kỳ mùa giải nào anh khoác áo Real Madrid, kể cả mùa 2009/10 phải nghỉ thi đấu vì chấn thương. Có Ronaldo, Juventus cũng ghi bàn yếu hẳn đi.
Mùa trước, Juve ghi 86 bàn trong cả mùa giải Serie A, mùa này “Bà đầm già” mới chỉ có 68 bàn sau 34 vòng. Mario Mandzukic hay Moise Kean đúng là chơi hay hơn nhiều khi đá cạnh CR7. Tuy nhiên, Paulo Dybala, Douglas Costa hay Juan Cuadrado là những nhân tố sa sút vì sự xuất hiện của siêu sao người Bồ Đào Nha.
Huyền thoại của Juve, Alessandro Del Piero từng nhấn mạnh: “Ronaldo quan trọng hơn mọi huấn luyện viên” ở sân chơi Champions League. Quan điểm ấy rõ ràng sai lầm, khi một mình CR7 không gánh được Juve trước Ajax trẻ trung hơn, khao khát hơn.
Vậy có thể khẳng định Juve thất bại tại Champions League có phải chỉ vì một mình Ronaldo? Câu trả lời là không. Thất bại của Juve là thất bại của hệ tư tưởng ấu trĩ của đội bóng này. Bất chấp việc sở hữu cỗ máy ghi bàn hay nhất lịch sử Champions Leauge, Juve vẫn bấu víu vào lối chơi phòng ngự hà khắc theo truyền thống để rồi chuốc lấy thất bại khi không thể ghi bàn.
Tạp chí Blizzard do cây bút lừng danh Jonathan Wilson từng khẳng định Serie A là giải đấu chịu ảnh hưởng nặng của cố nhà báo huyền thoại Gianni Brera. Ông là người đặt ra tỷ số lý tưởng của bóng đá Italy là hòa 0-0, đặt ra nền tảng cho triết lý phòng ngự trứ danh Catenaccio sau này của Nereo Rocco và Helenio Herrera từ cuối thập niên 50.
Hàng chục năm sau ngày ấy, bóng đá Italy vẫn bị kìm hãm sự phát triển bởi tư tưởng đó. Juventus chính là đại diện tiêu biểu.
Ronaldo đã hơn một lần bày tỏ sự thiếu đồng tình với lối đá khà khắc đó của Juve, nhưng HLV Max Allegri trong những giây phút quan trọng nhất thì không đủ dũng cảm để đẩy Juve chơi tấn công như Ronaldo muốn. Vì thế, Juve thất bại.
Bức bối trên ngai vàng
Phó chủ tịch Juve, Pavel Nedved nói với tờ Gazzetta dello Sport sau khi Juve giành Scudetto thứ 8 liên tiếp rằng kỳ tích này của “Bà đầm già” sẽ không bao giờ có thể lặp lại được nữa. Nedved hoàn toàn chính xác. Juve đã vượt lên mọi đội bóng tại Italy để có được thành công như ngày hôm nay.
Từ khi xây xong sận vận động riêng và đưa vào sử dụng từ năm 2012, Juve dần bứt hẳn lên trước những kình địch truyền thống như AC Milan hay Inter Milan. Tại Italy, Juve là đội duy nhất sử dụng sân riêng, số còn lại, như Inter hay Milan đều sử dụng chung sân vận động với thành phố.
Điều này dẫn tới hệ quả: tiền bán vé cùng các dịch vụ như tham quan cho khách du lịch, bán đồ uống đều bị san sẻ một nửa cho chính quyền thành phố thay vì trở về túi của CLB. Juve đã chấp nhận để sân Delle Alpi huyền thoại bị phá bỏ, chấp nhận đá sân Olimpic xuống cấp trong nhiều năm trời để xây xong sân Juventus Stadium (mà bây giờ là Allianz Stadium) để từ đó bứt hẳn lên.
Năm 2013, Chủ tịch Andrea Agnelli nói với báo giới: “Chúng ta cần kiên nhẫn. Trong 5 năm tới, Juve có thể mua những cầu thủ như Cristiano Ronaldo”. Đúng 5 năm sau phát biểu đó, CR7 gia nhập Juve.
Tháng 1/2017, Juve thay đổi logo của CLB. Chuyện này khiến Juve nhận không ít gạch đá từ giới mộ điệu vì logo mới quá xấu. Thậm chí, logo mới còn trở thành tâm điểm của những chùm ảnh chế trên mạng xã hội
Song thực tế cho thấy ngay sau khi Juve thay đổi bộ nhận diện, giá trị cổ phiếu của Bianconeri tăng 4%. Những nhà đầu tư rõ ràng nhận biết được tham vọng của Juve sau động thái đổi logo, và có cái nhìn khác hoàn toàn giới mộ điệu.
“Đến nay, không đội bóng nào ở Âu châu có thể vượt quá giới hạn thể thao thông thường và truyền đạt triết lý đằng sau điều đó”, ông Manfredi Ricca, Giám đốc chiến lược cho chiến dịch thay đổi bộ nhận diện thương hiệu của Juventus giải thích: “Nếu có một câu lạc bộ nào đấy có thể đi bước này, đó là Juventus”.
18 tháng sau ngày công bố logo mới, Juve ký hợp đồng với Cristiano Ronaldo, siêu sao có tầm ảnh hưởng số một thế giới. Tới giờ, sức mạnh thương mại của Juve rõ ràng đã khuếch trương lên đáng kể. Những chỉ báo tăng tưởng mạnh mẽ trên thị trường chứng khoán hay các tài khoản mạng xã hội là minh chứng cho điều đó.
Đường hướng phát triển của “Bà đầm già” là hoàn hảo. Họ thống trị quốc nội, nỗ lực cải thiện hình ảnh để vươn tầm siêu CLB. Dẫu vậy, việc không vô địch Champions League vẫn khiến chức vô địch Serie A kém vui đi trông thấy,
Champions League là thứ duy nhất Juve còn thiếu để danh chính ngôn thuận bước lên hàng siêu CLB. Tất cả sẽ cần thay đổi vào mùa tới, bằng không người ta có quyền Ronaldo chỉ là hợp đồng thương mại của “Bà đầm già thành Turin”.
Theo Zing.vn