Cứ tầm chiều, mấy ông cán bộ nghỉ hưu tại khu đô thị mới lại rủ nhau đi bộ thể dục. Đã mấy hôm, không rõ ông Thành vắng có việc gì nay mới xuất hiện.
Vừa nhìn thấy ông Thành, ông Nhị lên tiếng:
- Ông này đi đâu mà lặn mất tăm mấy hôm nay anh em không nhìn thấy đâu thế. Chắc về quê có đám cưới, đám xin chứ gì?
Ông Thành vội thanh minh ngay:
- Cưới xin gì đâu, có chú em họ là lãnh đạo một ngành đang công tác ở Hà Nội về quê xây ngôi từ đường làm chỗ thờ cúng các cụ. Công trình làm từ đầu năm, hôm vừa rồi mới khánh thành, chú ấy mời anh em, bạn bè về dự. Tổ chức cỗ bàn hai, ba ngày, mời khách cơ quan và anh em bà con trong làng. Tôi làm chân tiếp khách hôm nay mới lên được.
- Xây gần một năm mới xong, chắc ngôi từ đường hoành tráng lắm phải không ông? - ông Nhị nhanh nhảu hỏi.
- Cũng tương đối, diện tích xây dựng ngót trăm mét vuông, hệ thống cột và mái làm toàn bằng gỗ lim. Tôi thấy chú ấy bảo làm ngôi từ đường này kết hợp xây mấy phòng bên cạnh khi về quê có chỗ nghỉ ngơi.
Mấy ông chăm chú nghe ông Thành kể, ông Tam lên tiếng:
- Mấy năm gần đây, tôi thấy quan chức công tác ở nhiều nơi về quê xây nhà thờ. Làng tôi có tới gần chục nhà thờ, mỗi nhà tốn kém tiền tỷ. Có nhà xây kiểu cổ, cũng hoành phi câu đối hoành tráng lắm. Thấy nhiều người làm được mà mình cũng công tác như người ta giờ về nghỉ ngơi không xây được thì có vẻ như chưa ổn.
Thấy ông Tam tâm tư, ông Nhị hỏi:
- Thế ông chưa ổn ở điểm nào, họ của ông xây nhà thờ chưa?
- Họ tôi có nhà thờ từ thời các cụ để lại, qua nhiều lần tôn tạo bây giờ cũng tạm được. Tôi thấy có nhà thờ họ cũng hay, nơi đó vừa là chỗ thờ tự vừa là nơi tụ họp anh em con cháu mỗi khi Tết đến xuân về, dự Thanh minh, họp họ, mừng thọ những cụ cao niên...
- Vậy là ông ổn rồi. Tôi nghĩ mỗi họ trong làng chỉ cần xây một ngôi nhà thờ làm nơi thờ tự và sinh hoạt như họ của ông là đủ. Bây giờ ở một số nơi từng ngành, từng phái trong một họ cũng ganh nhau xây nhà thờ to. Nhiều người không có điều kiện còn lo những khoản đóng góp khác nhưng vẫn phải theo.
Ngừng một lát, ông Nhị nói tiếp:
- Theo tôi, nhà thờ họ là nét đẹp văn hóa. Vì thế cần tùy theo điều kiện của từng địa phương cũng như từng dòng họ, đừng để việc huy động đóng góp xây nhà thờ thành gánh nặng của từng gia đình. Nhà nào chẳng có phòng thờ, như vậy là đủ không cần làm hẳn một ngôi nhà dùng vào việc thờ tự tốn kém, lãng phí. Những đảng viên như chúng ta cần phải gương mẫu.
Chăm chú nghe mấy ông nói chuyện, cuối cùng ông Hải mới lên tiếng:
- Đúng là “phú quý sinh lễ nghĩa”, việc xây nhà thờ bây giờ như là một “hội chứng” của một số người rồi các ông ạ!
ĐOÀN TUYNH