Tròn 10 năm sau ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra đi, tôi mới có dịp về làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), để thăm lại căn nhà thời ấu thơ của người Anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Nếp nhà bình dị
Dòng Kiến Giang mùa này nước phẳng lặng. Cách bờ sông vài chục bước chân, căn nhà ấu thơ của vị Tổng Tư lệnh tối cao của Quân đội Nhân dân Việt Nam từng sinh sống vẫn ở đó, nép mình bên những tán cây xanh thẫm. Khác chăng, con đường nhỏ từ đường liên xã vào nhà Đại tướng đã được đổ bê tông và tôn cao hơn trước. Căn nhà ấy bây giờ đã trở thành Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, là nơi lui tới của hàng triệu người dân khắp mọi miền đất nước mỗi lần đi qua dải đất miền Trung đầy nắng gió.
Cụ Võ Đại Hàm, người cháu gọi Đại tướng bằng ông, là người được dòng học tin tưởng giao trọng trách trông coi ngôi nhà tuổi thơ của Đại tướng. Năm nay đã ngoài 80 tuổi, cụ Võ Đại Hàm vẫn săn chắc và nhanh nhẹn. Cụ sinh ra và lớn lên ở mảnh đất sát căn nhà của Đại tướng nên giống như một pho sử sống về Đại tướng và ngôi nhà. Cụ Võ Đại Hàm kể, sinh thời, mỗi lần Đại tướng về thăm quê là quê nhà như mở hội. Cụ già, trai trẻ hay em nhỏ gác lại mọi công việc riêng để ra đón chào Đại tướng. Ai được Đại tướng cầm tay, hỏi han thì đó là một điều hạnh phúc.
Sau này, những lần thăm quê cũ của Đại tướng thưa dần. Hôm nghe tin trái tim của Đại tướng đã ngừng đập, cả vùng thảng thốt. Vẫn biết sinh - lão - bệnh - tử, song sự ra đi của Đại tướng thật khó chấp nhận đối với nhân dân Lệ Thủy - những người đã coi Đại tướng là vị cha già, là niềm tự hào của mảnh "đất linh sinh nhân kiệt" này.
An Xá nằm ven dòng Kiến Giang nên nhiều năm gánh chịu lũ lụt. Vì thế, cả căn nhà, căn bếp và vật dụng đều là đồ phục dựng nguyên mẫu, không còn nguyên bản. "Hiện chỉ còn cây khế cổ thụ này là sống cùng thời Đại tướng. Cụ khế này tuổi đời hơn tuổi đời Đại tướng", cụ Hàm nói khi dẫn tôi đến góc vườn phía đầu hồi căn nhà nơi cây khế cổ thụ vẫn vươn bóng sum suê.
So với những căn nhà trong xóm mới xây dựng, nhà Đại tướng có cốt đất thấp hơn nên không ít lần bị thiên tai hủy hoại. Xót nhất là hồi tháng 10/2020, ngôi nhà lưu niệm thời thơ ấu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp bị mưa lũ gây thiệt hại nghiêm trọng. Nhiều mảng tường của ngôi nhà bị xô đổ, bàn thờ và bức tượng của Đại tướng bị vùi trong bùn đất. Nhiều kỷ vật vô giá không bao giờ tìm lại được…
Căn nhà ấu thơ của Đại tướng được làm bằng gỗ ghép, mái lợp ngói, mái vẩy bằng cỏ tranh, đơn sơ, giản dị như cuộc sống của vị Đại tướng lẫy lừng. Theo cụ Võ Đại Hàm, căn nhà được dựng nguyên mẫu theo trí nhớ của các thành viên trong gia đình Đại tướng. Nhà rộng chừng 60 m2, gồm 3 gian ngoài và một gian buồng. Chính giữa căn nhà là bàn thờ gia tiên, bên trái là bàn thờ Đại tướng. Ở đó có bức ảnh đen trắng Đại tướng mặc quân phục đại lễ, chính là bức ảnh chân dung nổi tiếng trong lễ tang Đại tướng cách đây tròn một thập kỷ. Trên bức tường áp căn buồng có bức ảnh ở Tân Trào, nơi Đại tướng đọc Quân lệnh số 1 trước Đội tuyên truyền giải phóng quân.
Kế bên trái ngôi nhà là gian bếp và gian để đồ dùng nông nghiệp, gợi nhớ về một thời gian khổ của gia đình Đại tướng cũng như của bao gia đình nông dân thuở trước.
"Ngọn núi lửa phủ tuyết"
Trong lịch sử quân sự thế giới hiện đại, hiếm có một thầy giáo dạy lịch sử nào trở thành Tổng Tư lệnh tối cao của quân đội một quốc gia, trở thành Đại tướng đầu tiên của quân đội khi mới 34 tuổi, người lãnh đạo quân và dân đi qua 9 năm kháng chiến trường kỳ và kết thúc kháng chiến chống Pháp bằng Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu.
Những tướng lĩnh bên kia chiến tuyến cũng phải tỏ lòng kính phục ông. Họ gọi ông là "Thống soái quân sự cỡ lớn", "Vị tướng huyền thoại"... Còn người Pháp, ngay từ tháng 5/1946, đã gọi ông là "Ngọn núi lửa phủ tuyết".
Ngày 4/10/2013, trái tim của vị Đại tướng lừng danh thế giới ngừng đập trong niềm tiếc thương vô hạn của hàng triệu trái tim người dân Việt Nam cũng như kiều bào ta ở nước ngoài. Đoàn người đưa tiễn Đại tướng về với đất mẹ Quảng Bình dài như bất tận.
Cụ Võ Đại Hàm kể, khi Đại tướng qua đời, đã có ý kiến "trách móc", sao không đưa Đại tướng về quê nhà An Xá để bà con chăm sóc, mà để Đại tướng nằm ở Vũng Chùa - Đảo Yến, ở thôn Thọ Sơn, xã Quảng Đông, Quảng Trạch (Quảng Bình)? "Đó là ý nguyện của Đại tướng từ khi còn sống. Có thể Đại tướng coi vùng miền nào trên dải đất Việt Nam cũng là quê hương mình", cụ Võ Đại Hàm nói.
Ngày nay, nhân dân hành hương về Nhà lưu niệm Đại tướng không chỉ được tận mắt chứng kiến ngôi nhà giản dị như cuộc sống của vị "Đại tướng của lòng dân", mà còn để tri ân một vị tướng huyền thoại đã lãnh đạo nhân dân đi qua các cuộc kháng chiến và giành chiến thắng trước các thế lực ngoại bang.
TIẾN HUY