Do hỗ trợ không đúng đối tượng nên vốn ngân sách tỉnh Hải Dương đầu tư cho một số dự án thủy sản tập trung đã bị Thanh tra Bộ Tài chính kiến nghị thu hồi.
Có điện ổn định để xử lý ao nuôi nên tình trạng cá bị chết ở xã Hà Kỳ (Tứ Kỳ) giảm đi rất nhiều
Sau khi Thanh tra Bộ Tài chính đề nghị thu hồi số tiền tỉnh hỗ trợ từ ngân sách, các địa phương liên quan đều đã có văn bản kiến nghị các ngành chức năng sớm tháo gỡ việc này.
Nhiều xã là chủ đầu tư
Năm 2016, UBND tỉnh phê duyệt đề án "Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016-2020". Thực hiện đề án này, năm 2018, UBND tỉnh bố trí 15 tỷ đồng cho 6 dự án, trong đó có 4 dự án nuôi thủy sản là xây dựng cơ sở hạ tầng bãi ngoài đê sông An Đức, xã Vĩnh Lập (Thanh Hà); cơ sở hạ tầng vùng nuôi thủy sản tập trung xã Hà Kỳ (Tứ Kỳ); cơ sở hạ tầng vùng nuôi thuỷ sản xã Đoàn Kết và xã Ngũ Hùng (Thanh Miện).
UBND tỉnh cũng đã ủy quyền cho UBND cấp huyện thực hiện việc phân bổ vốn. Trước đó, ngày 11.5.2017, liên ngành gồm các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính cũng đã có Hướng dẫn số722 về đối tượng được nhận hỗ trợ từ nguồn ngân sách tỉnh để xây dựng cơ sở hạ tầng các vùng nuôi thủy sản tập trung là doanh nghiệp, HTX và Liên hiệp HTX.
Đến ngày 30.6.2019, thời điểm Thanh tra Bộ Tài chính thực hiện thanh tra về công tác quản lý, sử dụng vốn đầu tư, việc chấp hành pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong công tác xây dựng cơ bản của tỉnh thì mới có 3huyện giải ngân được 10 tỷ đồng là Thanh Hà, Tứ Kỳ và Thanh Miện. Kết luận của Thanh tra Bộ Tài chính nêu rõ có một số dự án giải ngân không đúng đối tượng và đề nghị thu hồi phần vốn tỉnh hỗ trợ.
Dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nuôi thủy sản tập trung xã Hà Kỳ được triển khai từ tháng 8.2018 do UBND xã làm chủ đầu tư, có tổng vốn trên 12,7 tỷ đồng. Đến nay, các hạng mục của dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Lý giải vì sao UBND xã lại đứng ra làm chủ đầu tư dự án, ông Phạm Văn An, Chủ tịch UBND xã Hà Kỳ cho biết vào thời điểm đó, xã không nắm được Hướng dẫn liên ngành số 772.
Ngoài không nắm được Hướng dẫn số 772, do những khó khăn về vốn nên một số địa phương không thể để HTX đứng ra làm chủ đầu tư. Để xây dựng hoàn thiện hệ thống hạ tầng vùng thủy sản, các xã Đoàn Kết và Ngũ Hùng (Thanh Miện) cần số tiền gần 20,2 tỷ đồng. Ngoài 3 tỷ đồng UBND tỉnh hỗ trợ cho xã Ngũ Hùng, 1,5 tỷ đồng cho xã Đoàn Kết, ngân sách huyện Thanh Miện còn hỗ trợ xã Ngũ Hùng 2 tỷ đồng, xã Đoàn Kết 1 tỷ đồng. Phần còn lại 12,7 tỷ đồng từ ngân sách xã và nhân dân đóng góp. Theo ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Tài chính huyện Thanh Miện, do vốn đầu tư cho các vùng thủy sản rất lớn và phải xây dựng báo cáo kinh tế kỹ thuật, thực hiện quản lý, kiểm tra việc xây dựng nên nếu để chủ đầu tư là HTX sẽ không khả thi do năng lực hạn chế. Vì thế, UBND 2 xã trên phải đứng ra làm chủ đầu tư.
Đề nghị không thu hồi
Do không đúng đối tượng được hỗ trợ nên Thanh tra Bộ Tài chính đề nghị thu hồi số tiền các địa phương được hưởng từ ngân sách tỉnh. Đứng trước việc này, các địa phương liên quan đều đã có văn bản kiến nghị các ngành chức năng của tỉnh sớm tháo gỡ.
Trong báo cáo kết quả thực hiện các kiến nghị của Thanh tra Bộ Tài chính, UBND huyện Thanh Miện giải trình do hiện nay ngân sách các xã Đoàn Kết, Ngũ Hùng gặp nhiều khó khăn vì đã nhiều năm không có nguồn thu từ tiền sử dụng đất. Ông Đinh Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND xã Đoàn Kết cho biết thêm: "Tổng thu ngân sách của địa phương một năm chỉ khoảng 700 triệu đồng trong khi xã có nhiều khoản phải chi. Số tiền được hỗ trợ, xã cũng đã trả đơn vị thi công. Nếu thực hiện theo kết luận thanh tra, xã không biết lấy đâu tiền hoàn trả về ngân sách tỉnh".
Có một thực tế là mặc dù UBND xã đứng ra làm chủ đầu tư là không đúng đối tượng theo Hướng dẫn số 772 nhưng các địa phương này đều thực hiện việc đầu tư xây dựng các hạng mục theo đúng quy định. Các dự án cũng đã và đang phát huy hiệu quả rõ rệt và người dân là những người được hưởng lợi.
Theo anh Phạm Văn Quyền ở thôn Hà Hải, xã Hà Thanh (Tứ Kỳ), cách đây 4 năm, khu chuyển đổi của xã không có điện, đường giao thông là đường đất nhỏ hẹp nên sản xuất, sinh hoạt của người dân nuôi thủy sản gặp nhiều khó khăn. "Sau khi được đầu tư hệ thống điện, đường giao thông, việc sản xuất của người dân thuận tiện hơn rất nhiều. Đường to, rộng nên xe chở cám đến tận đầu ao, việc đem cá tiêu thụ cũng dễ dàng hơn. Có điện ổn định để xử lý ao nuôi nên tình trạng cá bị chết giảm đi rất nhiều so với trước", anh Quyền nói.
Được biết các địa phương liên quan đều có nguyện vọng đề xuất tỉnh kiến nghị với Bộ Tài chính không thu hồi nguồn vốn đã hỗ trợ vì các địa phương đều đang gặp khó khăn trong thu ngân sách. Hơn nữa, trong quá trình thực hiện, do Hướng dẫn liên ngành số 722 không còn phù hợp nên ngày 25.12.2018, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 4792/QĐ-UBND quy định thực hiện hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước cho một số nội dung thuộc đề án. Quyết định cũng nêu rõ đối tượng được hỗ trợ là các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp, UBND cấp huyện, xã.
THANH HÀ