Ngày 18/4, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cảnh báo và hướng dẫn các biện pháp chăm sóc, bảo vệ thủy sản nuôi và tăng cường công tác quản lý trong nuôi thủy sản.
Đối với thủy sản nuôi lồng bè, nông dân cần thường xuyên theo dõi mực nước sông, kiểm tra, theo dõi hoạt động của thủy sản nuôi, nhất là vào sáng sớm và chiều tối để sớm phát hiện những biểu hiện bất thường để kịp thời xử lý. Thường xuyên vệ sinh lồng nuôi sạch và thông thoáng để tăng lưu thông nước trong và ngoài lồng, giúp tăng cường oxy hòa tan trong nước, giảm vật bám, chất bẩn ở trong lồng; thu gom thức ăn thừa, xác thủy sản chết; treo túi vôi ở lồng nuôi để hạn chế sự phát triển của mầm bệnh. Khi mực nước trên sông thấp, nước chảy kém hoặc nước tĩnh cần giảm mật độ cá nuôi trong lồng, tăng cường sục khí để bảo đảm hàm lượng oxy hòa tan trong nước cho cá và hạn chế tác động xấu của khí độc.
Điều chỉnh giảm lượng thức ăn, hạn chế cho ăn khi nước sông đục, chất lượng nước kém, khi nhiệt độ trên 35 độ C hoặc cá có hiện tượng nổi đầu, tăng cường sức đề kháng cho cá nuôi bằng cách bổ sung vitamin C, khoáng chất, men tiêu hóa,… vào thức ăn cho cá theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Hạn chế đánh bắt, san thưa, vận chuyển, thả cá giống vào những ngày nắng nóng, thời điểm nắng nóng trong ngày hoặc ngày có thay đổi bất thường về thời tiết, môi trường.
Đối với thủy sản nuôi trong ao, sau trận mưa, nước ao nuôi sẽ bị đục và pH bị giảm đột ngột nên dùng vôi để xử lý ao, đầm nuôi với liều lượng 0,7-1 kg/100 m3 nước để ổn định môi trường ao nuôi và sát khuẩn. Duy trì mực nước trong ao thường xuyên trên 1,5 m để hạn chế sự biến động của nhiệt độ và pH nước. Tăng cường sử dụng máy bơm nước, máy sục khí, máy đảo nước trong những ngày nắng nóng để tránh hiện tượng phân tầng nước, đặc biệt vào thời điểm 2 giờ đêm đến 5 giờ sáng; những nơi có điều kiện thay nước có thể bổ sung thêm từ 15-20% lượng nước mới vào ao dưới dạng phun mưa (tốt nhất vào sáng sớm). Cho ăn vào sáng sớm và chiều mát, khi nhiệt độ nước trên 35 độ C cần giảm 1/3-1/2 lượng thức ăn so với lượng thức ăn hằng ngày; bổ sung vitamin C, khoáng chất, men vi sinh vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho thủy sản nuôi.
Hằng tuần, nên sử dụng vôi bột hòa tan tạt đều khắp ao để khử trùng nguồn nước và ổn định pH trong ao (sử dụng vào buổi chiều mát, với lượng 2-4 kg vôi bột/100 m3 nước) hoặc dùng chế phẩm sinh học đối với các ao nuôi đặc màu (tảo nở hoa) để xử lý môi trường giúp tăng cường các vi sinh vật có lợi trong ao, hạn chế sinh vật gây hại và giúp thúc đẩy quá trình phân hủy các hợp chất hữu cơ và giải phóng khí độc trong ao…
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, hiện tượng nắng nóng có khả năng đến sớm và xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm. Trong giai đoạn thời tiết giao mùa hiện nay, mực nước sông cạn, lưu tốc dòng chảy thấp, có những trận mưa rào đầu vụ xen kẽ nắng nóng, nhiệt độ cao đột ngột... làm áp suất không khí giảm, mức độ phân hủy chất hữu cơ tăng (từ rác sinh hoạt, phân cá, thức ăn thừa và một số nguồn nước thải sinh hoạt, nước thải chăn nuôi, trồng trọt... ) dẫn đến thay đổi yếu tố môi trường nước như làm hàm lượng oxy hòa tan trong nước giảm thấp, khí độc tăng cao, ảnh hưởng đến sức đề kháng của thủy sản nuôi.
PV