Nuôi thủy sản vùng hồ đập, tiềm năng còn để ngỏ

22/12/2022 06:00

TP Chí Linh có nhiều hồ thủy lợi song việc khai thác tiềm năng này vào nuôi thủy sản chưa tương xứng.

68 hồ

TP Chí Linh có 68 hồ chứa nước thủy lợi, diện tích lưu vực theo thiết kế khoảng 374 ha, dung tích khoảng 9.583.408 m3. 8 hồ do Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi TP Chí Linh trực tiếp quản lý, vận hành; 60 hồ do HTX dịch vụ nông nghiệp các xã, phường quản lý, vận hành.

Thời gian qua, việc khai thác hệ thống hồ này vào nuôi thủy sản đã được một số xã, phường ở Chí Linh thực hiện và mang lại hiệu quả nhất định. Phường Cộng Hòa có 12 hồ, đập thủy lợi. Những năm qua, địa phương đã cho người dân đấu thầu các hồ Cầu Dòng, Thông Cống và Phượng Hoàng (vừa hết hạn, chưa cho thuê lại) sử dụng nuôi cá các loại. 

Theo đánh giá của ông Nguyễn Quang Dũng, Phó Chủ tịch UBND phường Cộng Hòa, việc cho người dân thuê hồ nuôi thủy sản mang lại lợi ích cho cả UBND phường và người dân. “Nhiều năm phường cho người dân thuê các hồ để nuôi cá. Số tiền hằng năm tuy không nhiều nhưng cũng dùng chi phí cho một số hoạt động của địa phương. Quan trọng là người thuê góp phần bảo vệ môi trường hồ và cảnh quan xung quanh hồ”, ông Dũng nói.

Là người thuê hồ Cầu Dòng được 1 năm nay để nuôi các loại cá trắm, trôi, mè… anh Nguyễn Trung Kiên ở thôn Lôi Động (phường Cộng Hòa) cho biết: “Tôi thấy việc cho thuê này sẽ tránh được lãng phí, người dân có thêm thu nhập; đồng thời hồ chứa nước cũng được quản lý, bảo vệ chặt chẽ hơn". 


Người dân ở TP Chí Linh tận dụng mặt nước để phát triển thủy sản với gần 1.000 ha nuôi cá 

TP Chí Linh hiện có gần 1.000 ha nuôi cá, năng suất năm 2022 đạt từ 25-30 tấn/ha, sau khi trừ chi phí, người dân lãi khoảng 100 triệu đồng/ha. Như vậy, với diện tích 374 ha mặt hồ, nếu khai thác hiệu quả vào nuôi thủy sản sẽ mang lại một khoản thu nhập đáng kể cho người dân. Việc sử dụng lòng hồ chứa nước thủy lợi nuôi cá cơ bản không ảnh hưởng nhiệm vụ công trình đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Nhiều vướng mắc

Theo đánh giá của UBND TP Chí Linh, dù một số hồ thủy lợi được cho người dân thuê nuôi cá nhưng số lượng chưa nhiều. Một trong những nguyên nhân do các hồ, đập nhỏ chủ yếu phục vụ tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp. Các hồ lại được xây dựng từ những năm 1970 trở về trước, hạng mục công trình đơn giản, lạc hậu và đã xuống cấp. Quá trình sử dụng lòng hồ bị bồi lắng, nhưng 90% số hồ chưa được nạo vét nên không còn khả năng tích trữ nước theo thiết kế. 

Phường Bến Tắm có 16 hồ đập thủy lợi. Nước ở đây là nguồn duy nhất để tưới cho 190 ha lúa và hơn 300 ha cây ăn quả của địa phương. Thế nhưng có tới 15 hồ đập đang xuống cấp. Phần lớn hồ đập đều bị bồi lắng, thân đập rò rỉ, mất an toàn vào mùa mưa và thiếu nước vào mùa khô. Hồ Hố Dầu (khu dân cư Hố Dầu) là một trong những hồ lớn, cung cấp nguồn nước chủ yếu cho địa phương song lòng hồ đang bị bồi lắng từ 1-2 m nên trữ lượng nước giảm nhiều. Thân đập nơi ngăn dòng nước với khu dân cư phía dưới đang có hiện tượng sạt. Có thời điểm mực nước trong đập chưa đầy 1 m nhưng đập vẫn phải xả để bảo đảm an toàn cho người dân. Ông Phạm Bá Thụy, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu dân cư Hố Dầu cho biết: "Vào mùa mưa bão, chúng tôi phải cử lực lượng trực thường xuyên để sẵn sàng xử lý khi xảy ra sự cố. Vào mùa khô, để có nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất, người dân phải đào giếng giữa lòng hồ để gạn nước nên chưa thể nói đến chuyện khai thác hồ này vào nuôi thủy sản".


Do vướng mắc nên hồ Phượng Hoàng (phường Cộng Hòa) chưa được hoàn thiện các thủ tục để gia hạn cho thuê

Ngoài nguyên nhân này, việc nuôi thủy sản trên các hồ chứa còn vướng mắc do liên quan đến quy định về thủ tục cấp phép nuôi thủy sản. Theo Luật Thủy lợi và Nghị định số 67/2018/NĐ-CP ngày 14.5.2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi thì UBND cấp tỉnh thực hiện việc cấp, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh, đình chỉ, thu hồi giấy phép đối với các hoạt động cho thuê các hồ thủy lợi vào nuôi thủy sản. Ngoài việc có đơn đề nghị, người nuôi thủy sản cần có các hồ sơ thủ tục như sơ họa vị trí khu vực tiến hành các hoạt động đề nghị cấp phép; đánh giá ảnh hưởng của hoạt động đến việc vận hành và an toàn công trình thủy lợi; văn bản thỏa thuận của tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi; văn bản thỏa thuận về sử dụng đất lâu dài hoặc có thời hạn với chủ sử dụng đất hợp pháp... "Những thủ tục này nếu người dân phải làm thì mất rất nhiều thời gian và phức tạp, khó có thể thực hiện được", ông Nguyễn Văn Thái, Trưởng Phòng Kinh tế TP Chí Linh cho biết.

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy nuôi thủy sản trên hồ thủy lợi, cơ quan có thẩm quyền cần rà soát các quy định hiện hành liên quan đến công tác cấp phép nuôi thủy sản trên lòng hồ, hướng dẫn người dân thực hiện. Cần đồng bộ các giải pháp từ khoa học - công nghệ, sản xuất giống, công tác phòng chống dịch bệnh, xây dựng các mô hình khuyến nông về nuôi, quản lý khai thác nguồn lợi thủy sản trên lòng hồ, các mô hình sản xuất gắn với du lịch sinh thái, tập huấn về phát triển liên kết chuỗi sản xuất tiêu thụ sản phẩm thuỷ sản vùng lòng hồ. Hỗ trợ người dân liên kết trong sản xuất, nắm bắt thị trường để có kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp, đồng thời thực hiện quy định về bảo vệ môi trường hướng đến sự phát triển bền vững.

Với tiềm năng về diện tích mặt nước như vậy, nếu giải quyết được những khó khăn trên chắc chắn các hồ đập ở Chí Linh không chỉ bảo đảm nước tưới cho cây trồng mà còn mở ra tiềm năng không nhỏ trong phát triển nuôi cá, trồng cây thủy canh.

THỦY LONG

(0) Bình luận
Nuôi thủy sản vùng hồ đập, tiềm năng còn để ngỏ