Thúc đẩy nghề chăn nuôi thủy sản theo hướng sạch gắn với xây dựng các chuỗi giá trị, tỉnh Tuyên Quang đã triển khai phân vùng quy hoạch nuôi thủy sản như quy hoạch ao, hồ nhỏ nuôi chuyên thủy sản...
Phát triển thủy sản sạch vừa giúp bảo vệ môi trường, vừa nâng tầm thương hiệu sản phẩm nông nghiệp của huyện Na Hang
Nuôi thủy sản theo hướng an toàn đang trở thành lợi thế để huyện Na Hang (Tuyên Quang) phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Với trên 8.000 ha mặt hồ sinh thái, nguồn nước tự nhiên sạch, lượng thủy sinh đa dạng, dồi dào là điều kiện tốt để bà con nơi đây phát triển nghề nuôi thủy sản sạch. Đến nay, toàn huyện có trên 100 hộ nuôi thủy sản trên vùng hồ sinh thái, tập trung nuôi các loại cá đặc sản đem lại giá trị kinh tế cao như cá chiên, cá lăng..., tổng sản lượng đạt trên 550 tấn/năm. Nghề nuôi cá lồng phát triển mạnh nhất tại các xã Sơn Phú, Yên Hoa, Đà Vị, thị trấn Na Hang.
Ông Vi Ngọc Quý, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Na Hang cho biết, hầu hết các mô hình nuôi cá lồng trên hồ thủy điện Tuyên Quang đều phát triển theo hướng thủy sản sạch. Đến nay, toàn huyện đã có 4 sản phẩm cá đạt OCOP 3 sao và 4 sao.
Thúc đẩy ngành thủy sản sạch phát triển, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng, ban hành kế hoạch phát triển thủy sản trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 - 2025; tham mưu chỉ đạo nuôi theo mùa vụ, quy trình nuôi trồng phù hợp với diễn biến thời tiết, thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là xác định vùng nuôi ổn định về mực nước trên hồ thủy điện để tập trung phát triển chăn nuôi cá lồng theo hướng an toàn. Khuyến khích phát triển các hình thức nuôi, ứng dụng công nghệ cao trong nuôi thủy sản, nuôi thâm canh cá lồng trên sông và hồ thủy điện gắn với loại hình kinh tế trang trại, du lịch xanh gắn với bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước.
Ông Trương Tuấn Minh là một trong những người nuôi cá lồng quy mô lớn trên lòng hồ thủy điện Na Hang cho biết, lợi thế lớn nhất trong nuôi thủy sản ở Na Hang là nguồn nước tự nhiên khá sạch; nguồn cá tạp làm thức ăn trên vùng hồ còn khá phong phú nên các hộ nuôi ít sử dụng thức ăn công nghiệp. Theo ông Minh thì việc chăm cá bằng thức ăn tự nhiên cá lớn chậm hơn, nhưng cho chất lượng thịt thơm ngon nên được thương lái ưa chuộng hơn. Đặc biệt là các nhà hàng, khách sạn họ chọn lựa rất kỹ, bởi lấy chất lượng làm uy tín.
Ông Vi Anh Đức, Giám đốc HTX Nuôi cá Nhật Nam (huyện Na Hang), cơ sở nuôi cá lớn nhất khu vực lòng hồ thủy điện Tuyên Quang, cho biết trước năm 2019 khi chưa được chứng nhận nhãn hiệu cá sạch Na Hang, dù được đánh giá cao về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng giá trị vẫn thấp, do cá thương phẩm sau khai thác vẫn phải bán buôn cho các thương lái nhỏ lẻ trong tỉnh. Từ năm 2020, cá của HTX được nuôi theo quy chuẩn sạch, thân thiện với môi trường cộng với việc thực hiện tốt công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm nên đã được nhiều nhà hàng, cửa hàng thực phẩm sạch tại một số thành phố lớn như Hà Nội, Việt Trì, Thái Nguyên... tìm đến đăng ký đặt hàng tiêu thụ. Hiện nay, cá lăng chấm của HTX có giá 450.000 - 700.000 đồng/kg tùy theo trọng lượng; cá bỗng có giá 150.000 - 200.000 đồng/kg, cao hơn 25 - 30% so với khi chưa được nhận nhãn hiệu cá sạch và đạt chuẩn OCOP.
Thúc đẩy nghề chăn nuôi thủy sản theo hướng sạch gắn với xây dựng các chuỗi giá trị, tỉnh Tuyên Quang đã triển khai phân vùng quy hoạch nuôi thủy sản như quy hoạch ao, hồ nhỏ nuôi chuyên thủy sản; quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản trên hồ thủy lợi...
Theo báo Nông nghiệp Việt Nam