Người nuôi ong ở xã Hoàng Hoa Thám (Chí Linh) đang bước vào mùa thu hoạch mật hoa vải, nhãn. Năm nay, thời tiết thuận lợi, chiều lòng người nuôi ong nơi đây.
Ông Cao Văn Bình ở thôn Hố Giải, xã Hoàng Hoa Thám duy trì hơn 150 đàn ong
Ông Cao Văn Bình ở thôn Hố Giải là người có thâm niên hơn 15 năm nuôi ong. Ông đang duy trì hơn 150 đàn ong. Những ngày này, ông phải huy động thêm người để hỗ trợ gia đình thu hoạch mật. Ông Bình cho biết thời tiết năm nay ủng hộ người nuôi ong, trời ít mưa, nắng nhiều, tỷ lệ hoa nhãn, vải nở sai và rộ, lượng mật thu được cao hơn các năm trước. Từ 3 - 4 ngày, ong cho lấy mật một lần, mỗi lần thu được gần 200 lít mật.
Chị Hoàng Thị Nhung ở thôn Đá Bạc cho biết, nghề nuôi ong đòi hỏi quá trình chăm sóc phải tỉ mỉ, phải nắm rõ đặc tính của loài ong để phát triển đàn. Mặt khác, để có mật ong sạch, vị trí đặt tổ ong phải cao ráo, sạch sẽ, thoáng mát, nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào, nhất là phải xa trang trại chăn nuôi. Với gần 200 đàn ong, từ nuôi ong lấy mật và cung cấp đàn ong giống cho các hộ trong và ngoài vùng, gia đình chị Nhung lãi gần 200 triệu đồng mỗi năm.
Xã Hoàng Hoa Thám có hơn 2.800 ha đồi rừng và cây ăn quả. Tận dụng lợi thế tự nhiên sẵn có, những năm qua, nhiều hộ trong xã tập trung phát triển kinh tế trang trại dưới tán rừng, trong đó có nghề nuôi ong lấy mật, cho hiệu quả kinh tế cao. Toàn xã hiện có hơn 50 hộ nuôi ong với hơn 2.000 đàn ong. Hộ nuôi ít thì 10 - 20 đàn, hộ nhiều trên 200 đàn. Hằng năm, sản lượng mật ong của xã đạt hơn 25.000 lít, đem lại nguồn thu lớn cho người dân.
Sau khi mùa vải, nhãn kết thúc, các hộ nuôi ong trong xã lại di chuyển đàn sang các địa phương khác ở Chí Linh để tận dụng nguồn hoa bạch đàn, dẻ, keo... Mật ong Hoàng Hoa Thám được người tiêu dùng đánh giá cao bởi mang hương vị núi rừng tự nhiên, có màu vàng tươi, ngọt thanh.
Ông Lê Văn Khoa, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hoàng Hoa Thám cho biết: Là địa phương có thế mạnh về nuôi ong mật, xã đang nỗ lực xây dựng và phát triển thương hiệu mật ong rừng Hoàng Hoa Thám là sản phẩm đặc trưng của địa phương (OCOP). Bên cạnh đó, xã chủ trương thành lập HTX Nuôi ong rừng Hoàng Hoa Thám; khuyến khích hình thành các tổ nhóm, hội liên gia nuôi ong nhằm trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ nhau ngày công, nhân giống, chủ động nghiên cứu "đầu ra”, góp phần nâng cao chất lượng mật ong và các sản phẩm từ ong.
Để có vùng nguyên liệu an toàn cho ong lấy mật, xã Hoàng Hoa Thám tiếp tục quản lý tốt diện tích đất rừng, phát triển rừng, đồng thời kiểm soát sự du nhập của những giống ong lạ, ong ngoại lai xâm thực, tránh gây hại cho giống ong nội. Bên cạnh đó, tuyên truyền người dân phát triển các loại cây ăn quả, cây lấy gỗ, tăng tỷ lệ che phủ rừng để bổ sung nguồn thức ăn cho ong.
TRUNG TUÂN