Giúp trẻ không đi sai đường

01/03/2023 06:42

Thay vì cấm đường “hươu” chạy, cha mẹ nên vẽ đường cho “hươu” chạy đúng. Cha mẹ phải trang bị kiến thức cho con ngay từ trong gia đình.

Cha mẹ phải trang bị kiến thức cho con ngay từ trong gia đình (tranh minh họa)

Bé gái ở Bắc Giang mang thai khi đang học lớp 7 (13 tuổi). Người làm bé mang thai cũng chỉ mới 17 tuổi và đã bị bắt vì tội “hiếp dâm người dưới 16 tuổi”. Đáng nói, trong quá trình mang thai, gia đình không hề hay biết. Trước đó, trường hợp một học sinh lớp 5 (11 tuổi) ở Phú Thọ, gia đình nghèo, mẹ đi làm xa, em sống với người cha đau ốm và nghiện rượu nên ít nhận được sự quan tâm, chăm sóc. Chỉ khi người mẹ về thăm nhà mới biết con mình đã mang thai.

Việc các nữ sinh làm mẹ thật xót xa. Đối tượng làm các em mang thai, sinh con đã bị bắt giữ, khởi tố, điều tra theo quy định của pháp luật. Những đứa trẻ ra đời không được sự chăm sóc tốt nhất của cả cha và mẹ. Những hậu quả về tâm lý cho những đứa trẻ sớm làm mẹ sẽ khó có thể xóa nhòa. Mang thai ở tuổi vị thành niên thường phải đối mặt với rất nhiều tai biến sản khoa, nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng của mẹ và bé trong suốt thai kỳ cũng như hành trình "vượt cạn". Trẻ vị thành niên mang thai, sinh con, em bé khi chào đời nguy cơ bị dị tật cao. Sau sinh, nếu những người mẹ trẻ con này không được người thân quan tâm, dễ dẫn đến trầm cảm, rối loạn tâm thần, thậm chí là tự tử...
Qua việc này có thể thấy kiến thức về quan hệ tình dục nói riêng và việc giáo dục giới tính cho trẻ nói chung vẫn còn hổng trong không ít gia đình.  

Theo số liệu khảo sát của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) được công bố hồi tháng 4.2022 thì trong vòng 6 năm, tỷ lệ quan hệ tình dục lần đầu trước 14 tuổi ở Việt Nam đã tăng lên hơn 2 lần (từ 1,45% năm 2013 lên 3,51% năm 2019). Một nghiên cứu khác của Tổ chức Dịch vụ dân số quốc tế (PSI) ước tính trên 10% nữ giới Việt Nam chưa kết hôn trong độ tuổi 15-24 từng ít nhất một lần mang thai ngoài ý muốn.

Con số nạo phá thai mà Vụ Sức khỏe bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế) công bố gần đây cũng rất lo ngại. Trong khoảng 300.000-400.000 ca phá thai mỗi năm thì có đến 60-70% là học sinh, sinh viên ở độ tuổi từ 15-19. Đây chỉ là các ca ghi nhận ở bệnh viện, các trung tâm y tế còn ở các điểm nạo phá thai chui thì chưa thể thống kê hết. Đáng chú ý, tỷ lệ phá thai ở Việt Nam 10 năm gần đây giảm nhưng tỷ lệ vị thành niên phá thai lại tăng 20%.

Cập nhật những thông tin này hẳn sẽ khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng bởi mạng xã hội ngày càng phát triển, trẻ em dễ dàng tiếp cận với những nội dung nhạy cảm về giới tính và học theo. Nếu việc giáo dục giới tính cho trẻ không được làm tốt và được các gia đình quan tâm thì rất dễ khiến trẻ rơi vào khủng hoảng, đi sai đường. Cha mẹ không thể coi việc giáo dục giới tính cho con là nhiệm vụ của nhà trường. Bởi giáo dục giới tính cần được thực hiện dần dần chứ không thể chỉ trông chờ vào vài tiết học. 

Thay vì cấm đường “hươu” chạy, cha mẹ nên vẽ đường cho “hươu” chạy đúng. Cha mẹ phải trang bị kiến thức cho con ngay từ trong gia đình. Gia đình là môi trường lý tưởng hơn cả để giáo dục giới tính cho các con. Tình thân và sự gắn kết sẽ giúp cha mẹ và con cái dễ đồng cảm và chia sẻ từ đó những thông tin về giới tính dễ tiếp nhận hơn. Không chỉ truyền kinh nghiệm, cha mẹ hãy dành thời gian tìm cho con những thông tin về giới tính chuẩn trên mạng xã hội, trong sách báo, cùng con tìm hiểu, nghiên cứu để hiểu đủ về giới tính từ đó có những hành động đúng.

Nếu chuyện giáo dục giới tính cho con còn bị xem nhẹ ở mỗi gia đình thì khó có thể đổ lỗi cho nhà trường hay xã hội khi có những đứa trẻ làm bố, làm mẹ ở tuổi “ô mai”.

HẢI MINH (Gia Lộc)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giúp trẻ không đi sai đường