Góc nhìn

Giúp trẻ không bị rối loạn thiếu hụt thiên nhiên

BẢO LINH 06/07/2024 07:00

Ở Hải Dương, nhiều bậc cha mẹ đã chủ động đưa con trẻ về với thiên nhiên, bù đắp rối loạn thiếu hụt thiên nhiên cho con để mùa hè thêm ý nghĩa.

gialoc1.jpg
Dạy trẻ trồng và chăm sóc cây xanh là một trải nghiệm hữu ích. Ảnh: THẾ ANH

Qua nhà anh trai chơi, hai đứa cháu tôi (4 tuổi và 6 tuổi) khoe mấy cây ớt, cà chua, quất, dâu tây, khoai lang… lên xanh tốt. Đây là “thành quả” của hai chị em cháu sau hơn 1 tháng nghỉ hè. Mẹ cháu kể, chuyện trồng cây và chăm cây bắt đầu từ một món ăn mà tôi mang sang biếu là nộm sứa. Trong món nộm có ớt, các bé nhặt ra, bỏ vào bát cơm của bố. Rồi bé hỏi, để có ớt ăn thì phải trồng cây thế nào. Trong lúc kể cho chúng nghe về quá trình trồng, sinh trưởng và phát triển của cây ớt, thấy chồng vứt hạt ớt ra khỏi bát, mẹ cháu đã giữ lại và dạy con thử trồng. Sẵn có mấy chậu bỏ không, hai đứa trẻ hì hụi xới đất, tưới nước rồi tự tay đặt những hạt ớt bé xíu vào chậu, chăm sóc cây dưới sự hướng dẫn tỉ mỉ của mẹ. Sáng nào chúng cũng dậy sớm, ra ban công nhìn chậu cây, rồi tưới nước. 3 ngày sau, thấy mấy mầm xanh nõn nhú lên khỏi lớp đất, chúng reo hò, thích thú.

Thấy con có những trải nghiệm thú vị với việc trồng và chăm sóc cây, chị dâu tôi mua thêm chậu, khoai lang, khoai tây, cây hồng, quất, dâu tây, đồng tiền… Thế là hơn một tháng hè, 2 đứa cháu tôi cứ quanh quẩn với những chậu cây. Những tiếng cười vui của các con mỗi khi thấy cây ra nhiều lá, thân mập mạp hơn, nhú hoa, quả khiến người lớn có bao nhiêu mệt mỏi cũng tan biến.

Chị tôi bảo từ khi được trồng và chăm sóc cây, 2 cháu ít xem ti vi, điện thoại hơn hẳn. Các bé còn biết quý trọng cây cối. Ra công viên chơi không dẫm lên cỏ, xuýt xoa khi thấy cây hoa nào sắp tàn, héo, hỏng… Chị nói: “Đây là những ngày hè đúng nghĩa của các con”.

Quả thật, dạy và cùng con trồng, chăm cây là một trải nghiệm rất hữu ích trong bất kỳ thời gian nào, đặc biệt là lúc nghỉ hè, giúp trẻ có thêm tình yêu thiên nhiên, biết trân quý sự sống và có tinh thần phát triển lành mạnh.

Trẻ nhỏ luôn có tâm lý tò mò, hiếu kỳ về mọi thứ xung quanh từ các con vật trong nhà đến cây cối ngoài vườn. Để thỏa mãn những khúc mắc đó, trẻ thường hỏi bố mẹ những câu ngây ngô. Trẻ được trải nghiệm, khám phá môi trường tự nhiên xung quanh sẽ góp phần không nhỏ trong việc phát triển và hoàn thiện kỹ năng vận động cũng như kỹ năng sống. Thời gian qua, nhiều gia đình đã để trẻ tiếp xúc nhiều hơn với thiên nhiên và dạy trẻ yêu thiên nhiên qua nhiều cách khác nhau. Trồng những chậu cây cảnh, rau xanh, cây hoa nhỏ xinh bên ban công, sân thượng… không chỉ giúp gia đình có bữa ăn ngon mà còn tạo cơ hội cho trẻ được tìm hiểu, chăm sóc từng loại cây.

Bạn tôi cứ cuối tuần cho 2 con ra công viên tận hưởng không gian thiên nhiên tươi xanh thay vì vào các điểm vui chơi trong nhà. Ngoài ra, vào những kỳ nghỉ, Tết, cũng thay vì chọn một địa điểm du lịch đông đúc, xô bồ, bạn tôi đưa con đến những khu du lịch sinh thái, vùng nông thôn để cùng con hít thở bầu không khí trong lành. Ở đó, cha mẹ cùng con tìm hiểu về những loài cây, loài hoa, trải nghiệm đi chân trần, lội nước, lội ruộng…

Không phải gia đình nào cũng có điều kiện hay quan tâm dạy trẻ yêu thiên nhiên. Bé 6 tuổi con hàng xóm của tôi được bao bọc ở trong nhà quá mức. Thỉnh thoảng cháu ham vui, theo mấy đứa trẻ khu phố nghịch cỏ, đất ở vỉa hè, đều bị mẹ quát, bắt vào nhà ngay. Thấy thế tôi nhẹ nhàng góp ý nhưng mẹ cháu không đồng ý. Lý do người mẹ này đưa ra là bẩn quần áo, vô bổ, thậm chí trẻ dễ bị ốm. Không biết có phải do ít được tiếp xúc với thiên nhiên hay không mà đứa trẻ này nhút nhát, sức đề kháng kém, rất sợ côn trùng, nhìn thấy con sâu, con gián là khóc.

Trong quyển sách Last Child in the Woods (tạm dịch: Đứa trẻ cuối cùng trong rừng), tác giả người Mỹ Richard Louv giới thiệu khái niệm “rối loạn thiếu hụt thiên nhiên”. Louv cho rằng thiếu gắn kết với thiên nhiên khi còn nhỏ liên quan trực tiếp đến nhiều vấn đề về sức khỏe và hành vi khi trẻ lớn lên. Theo ông, khi trẻ dành nhiều thời gian hơn trong thế giới kỹ thuật số, tự đóng các giác quan của mình để chỉ chăm chú vào các thể loại màn hình (tivi, máy tính, điện thoại), thiên nhiên càng có vai trò quan trọng như một phương thuốc hơn bao giờ hết. Louv dẫn 20 nghiên cứu khác nhau cho rằng gắn với thiên nhiên sẽ cải thiện sức khỏe thể chất, tinh thần và cảm xúc, các kỹ năng nhận thức, phát triển các giác quan và khả năng học tập.

“Cuộc sống càng nhiều công nghệ thì ta càng cần nhiều thiên nhiên”, Richard Louv viết. Đúng vậy, cha mẹ nên làm gương, tự mình ra ngoài trước, hòa mình vào thiên nhiên càng nhiều càng tốt và khuyến khích trẻ làm theo. Và mùa hè nên làm những điều ý nghĩa này.

BẢO LINH
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giúp trẻ không bị rối loạn thiếu hụt thiên nhiên