Trẻ cần được ủ ấm, hạn chế chơi khi thời tiết xấu và tiêm chủng đầy đủ để phòng bệnh, giảm tần suất ốm vào dịp Tết.
Hai năm trở lại đây, bé An (3 tuổi, Hà Nội) thường đổ bệnh, sốt, ho, sổ mũi khi cận Tết. Chị Linh (32 tuổi), mẹ bé, cho biết thường quay cuồng mỗi khi con ốm với các công việc không tên như dọn nhà cửa, nấu cơm, tiếp khách. Gia đình chị rất khó xử vì không thể chu toàn công việc của hai bên họ hàng hoặc chuyên tâm chăm con khi ốm.
Cùng có con gái thường ốm vào dịp Tết, chị Linh Chi (29 tuổi, TP Hồ Chí Minh) cho biết đang "tính toán mọi phương án" để giúp con đủ khỏe mạnh trong năm nay. Lý do là gia đình sẽ trở về Phú Yên vào ngày 28 Tết, sau đó có nhiều hoạt động du xuân. Trong khi đó, con gái chị mới 2 tuổi, thường xuyên ốm vặt, kén ăn, kém hấp thu nên gầy còi.
Các phụ huynh cho biết có dự định cho con tiêm vaccine, sử dụng thêm các thực phẩm tăng đề kháng, tăng dinh dưỡng để bảo đảm sức khỏe khi Tết Nguyên đán đang cận kề.
Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán, lễ hội đầu năm thường ghi nhận nhiều trẻ khám và nhập viện. Ghi nhận của Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, lượng bệnh nhi tăng khoảng 15-20% so với ngày thường. Các mặt bệnh thường gặp gồm cúm, viêm phổi, tiêu chảy, thủy đậu, bệnh tiêu hoá, gan mật...
Theo bác sĩ Thảo, lý do trẻ mắc bệnh là thời tiết thay đổi đột ngột kèm theo độ ẩm không khí cao, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn khiến cơ thể trẻ chưa kịp thích nghi. Dịp Tết cũng là thời gian người dân di chuyển nhiều nơi, tụ tập đông người, tăng nguy cơ tiếp xúc giữa người lành và người bệnh.
Các mầm bệnh thường phát triển vào mùa xuân gồm cúm, sởi, thủy đậu, virus hợp bào hô hấp (RSV)... Các bệnh này đều có thể gây các triệu chứng từ nhẹ đến nặng như sốt, ho, viêm phế quản, viêm phổi. Ngoài ra, mùa xuân tạo điều kiện cho côn trùng, phấn hoa phát tán nhiều khiến trẻ dễ mắc bệnh như viêm da tiếp xúc, viêm kết mạc hơn.
Bên cạnh đó, ngày Tết trẻ thường có chế độ ăn uống thay đổi, dung nạp thêm nhiều bánh mứt, nước ngọt, đồ chiên rán nhưng ít ăn hoa quả, rau củ và vệ sinh không bảo đảm. Những điều này khiến trẻ bị suy giảm sức đề kháng, dễ mắc bệnh về hô hấp và tiêu hóa, rối loạn đường ruột, tiêu chảy vào dịp Tết.
Bộ Y tế khuyến cáo dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 và mùa lễ hội đầu năm, nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao, diễn biến thời tiết thay đổi bất thường. Đây là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan, làm gia tăng số mắc, nhất là với trẻ em có sức đề kháng yếu và người cao tuổi có bệnh lý nền, dễ mắc các bệnh truyền nhiễm. Do đó, cơ quan đầu ngành y tế yêu cầu các đơn vị tăng phòng dịch, có kế hoạch, phân công trực 24/24 giờ trong thời gian nghỉ Tết... cùng nhiều biện pháp khác.
Bác sĩ Thảo cho biết bệnh đường hô hấp được chia làm hai nhóm, gồm đường hô hấp trên và đường hô hấp dưới. Trong đó, bệnh ở đường hô hấp dưới thường có tính chất nặng nề, điều trị kéo dài, dễ biến chứng như viêm phổi, viêm não, nhiễm trùng huyết, viêm tai giữa... Trẻ có thể bị bội nhiễm thêm các virus, vi khuẩn khác, để lại di chứng lâu dài.
Do đó, để phòng bệnh hiệu quả, phụ huynh cần chăm sóc trẻ chu đáo như hạn chế cho con đi chơi xa, đi tàu xe dài ngày. Khi đi xe máy, khi ra ngoài trời, các em bé cần được ủ ấm.
Trường hợp trẻ ốm, bệnh, cần điều trị kịp thời, dùng thuốc đủ liều lượng theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Tủ thuốc gia đình nên có sẵn nhiệt kế, thuốc hạ sốt, dung dịch nhỏ mũi, mắt, oresol bù điện giải để dùng khi cần thiết.
Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC lưu ý, thời điểm trước Tết, dù bận bịu chăm lo, các phụ huynh nên chú ý cho trẻ tiêm vaccine đúng lịch, củng cố hàng rào miễn dịch cho trẻ.
Các mũi tiêm được khuyên tiêm cho trẻ để phòng bệnh trong mùa xuân và dịp Tết là cúm, ho gà, bạch hầu, uốn ván, sởi, quai bị, rubella, thủy đậu, phế cầu, viêm màng não do não mô cầu, viêm não Nhật Bản... Ngoài ra, mọi người bổ sung các vaccine phòng bệnh đường tiêu hóa như viêm gan A, tả, thương hàn.
Theo bác sĩ Chính, tiêm chủng là biện pháp hiệu quả nhất để giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do bệnh truyền nhiễm. Trung bình khoảng 85-95% người được tiêm sẽ sinh ra miễn dịch đặc hiệu bảo vệ cơ thể không bị mắc bệnh. Ví dụ, trẻ được tiêm vaccine phế cầu khuẩn sẽ được bảo vệ đến 97% khỏi các bệnh viêm phổi, viêm màng não... do phế cầu khuẩn; vaccine cúm giúp phòng 70-90% nguy cơ mắc bệnh; vaccine thủy đậu có hiệu quả đến 98%...
"Vaccine cũng cần thời gian để tạo miễn dịch cho cơ thể, vì vậy gia đình nên tiêm chủng cho con trước khi về quê đón Tết. Trẻ có miễn dịch tốt sẽ khỏe mạnh, phát triển thể chất và tinh thần bình thường, giảm gánh nặng chăm sóc y tế cho gia đình và xã hội", bác sĩ Chính nói.
TB (theo VnExpress)