Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đặng Đức Song sinh năm 1934 trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Cộng Hòa (Nam Sách).
Anh hùng Đặng Đức Song và vợ là bà Hoàng Thị Vinh tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ
Tháng 4.1952, ông nhập ngũ vào Đại đoàn 316, một đơn vị mạnh lập nhiều thành tích vẻ vang. Ông đã cùng đồng đội tiến quân giải phóng Tây Bắc, tham gia Chiến dịch Đông - Xuân 1953 - 1954 và có mặt tại Chiến dịch Điện Biên Phủ từ những ngày đầu.
Trước khi chiến dịch mở màn, đơn vị ông (Trung đội 12, Đại đội 5, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 98) được giao trọng trách phòng ngự Đồi Xanh - điểm cao 781 m, có vị trí chiến lược nằm ở phía đông tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ông làm Tiểu đội phó, kiêm xạ thủ trung liên. Đúng 5 giờ sáng 3.3.1954, địch ném bom, nã pháo hàng tiếng đồng hồ vào cao điểm hòng biến Đồi Xanh thành đồi “Đỏ”. Hàng trăm tên địch tràn lên đánh chiếm. Các chiến sĩ ta dũng cảm, kiên cường đánh trả. Khẩu trung liên trong tay ông rung lên từng đợt. Tên chỉ huy và mấy thằng đi trước ngã gục. Để tiết kiệm đạn, ông chuyển sang dùng lựu đạn. Nhưng vì ném thẳng nên lựu đạn theo độ dốc chạy xuống tận chân đồi mới nổ. Rút kinh nghiệm, ông mở chốt an toàn, miệng đếm một, hai, ba mới ném. Lựu đạn rơi trúng đội hình của địch. Chúng hoảng hốt giẫm đạp lên nhau mà chạy.
Mặc dù trận địa ta được giữ vững, nhưng tỷ lệ thương vong không nhỏ. Trung đội trưởng Dương hạ lệnh cho đơn vị tạm rút lui để củng cố lực lượng. Ông và hai chiến sĩ chốt ở mỏm cao không nghe rõ nên vẫn không rời vị trí chiến đấu. Địch tràn lên, chỉ cách các ông chừng 10m. Chúng ném lựu đạn rồi tấp vào công sự của ta. Chiến sĩ Chương hy sinh. Một quả khác rơi xuống đất xoay tròn, xì khói trắng. Nhanh như cắt, ông dùng chân đá mạnh về phía địch rồi nhấc khẩu trung liên bắn trả. Ông động viên chiến sĩ Danh bình tĩnh, cố thủ đến cùng...
Ngày 5.3.1954, Đại đội điều động Trung đội 10 lên chi viện. Từ sáng sớm, phi pháo của địch đã điên cuồng đánh phá. Các trung đội phối hợp chặt chẽ với đơn vị cao xạ, bắn tan xác 1 máy bay của chúng. Cuộc chiến đấu càng trở nên ác liệt. Cả ta và địch đều bị thương vong đáng kể. Cuối cùng ta đã bẻ gãy 7 đợt tiến công của địch. Tổng kết đợt hoạt động, đơn vị ông đã phản kích 24 lần, tiêu diệt 250 tên, 24 đồng chí được phong tặng danh hiệu “Dũng sĩ Đồi Xanh” mà ông là người tiêu biểu nhất.
Trong trận chiến đấu cuối cùng ở Đồi Xanh, ông bị thương, phải nằm viện mất mấy tuần. Cuối tháng 3.1954, ông được cử làm Tiểu đội trưởng xung kích. Nhiệm vụ nặng nề nhất, cấp bách nhất của ông lúc này là phải nắm thật chắc việc chúng đã kiểm soát hoàn toàn hay mới một phần đồi C1 để giúp chỉ huy hạ quyết tâm chính xác. Khoảng 2 giờ chiều 31.3, ông chọn 3 chiến sĩ lên đường làm nhiệm vụ. Đến lô cốt thứ nhất, ông cho dừng lại, tự tay bắn một loạt tiểu liên và ném một quả lựu đạn khói để thăm dò. Tất cả đều im lặng, không có bất kỳ phản ứng nào từ phía địch. Quan sát thật kỹ lần cuối, các ông kết luận: địch chỉ mới kiểm soát được lô cốt cột cờ và vài ba vị trí khác. Mà lực lượng của chúng ở mỗi vị trí còn mỏng. Ông giao nhiệm vụ cho ba người ở lại đào công sự, sẵn sàng chiến đấu, còn ông phải cấp tốc về báo cáo với chỉ huy. Ông chạy như bay trên những miệng hố bom sâu hoắm, những đoạn giao thông hào sạt lở và những khoảng trống trơ trọi dễ làm mồi cho phi pháo địch. Chạy đến Sở chỉ huy thì ông ngã gục, nhờ sự chăm sóc của mọi người, sức khỏe dần trở lại. Nghe ông báo cáo, Đại đội trưởng Nguyễn Văn Thủy mừng lắm, siết chặt tay ông. Sau mấy phút vào hầm gọi điện, Đại đội trưởng Nguyễn Văn Thủy nói như ra lệnh: "Phải đánh ngay lô cốt cột cờ và chiếm lại hoàn toàn C1. Sẽ có lực lượng lên chi viện". Ông vô cùng phấn khích, đề nghị đưa 6 chiến sĩ còn lại của Tiểu đội vào chiến đấu. Để bảo đảm yếu tố bí mật, bất ngờ phải hành động ngay chiều đó. Kế hoạch của ông được mọi người nhất trí. Lợi dụng giao thông hào của địch, các ông tiến sát lô cốt cột cờ chừng 15 m thì dừng lại để triển khai đội hình chiến đấu. Ông hạ lệnh cho chiến sĩ Danh xạ thủ trung liên bắn dữ dội vào mục tiêu định sẵn. Đúng như dự đoán, địch bị đánh bất ngờ, không kịp trở tay. Bỗng nhanh như cắt, ông ném 2 quả lựu đạn sát thương và 1 quả lựu đạn khói vào lô cốt, miệng hô lớn: "Xung phong". Cả tiểu đội ào ạt xông lên. Phát hiện thấy mấy tên đang tháo chạy về hướng C2, ông và chiến sĩ Thịnh bắn đuổi theo. Kết thúc trận đánh một cách nhanh chóng, các ông đã tiêu diệt 1 tên, bắn bị thương 2 tên, thu nhiều vũ khí, trong đó có hai khẩu trung liên Mỹ quý hơn vàng. Không dừng lại ở thắng lợi đó, ông chỉ huy đánh tiếp lô cốt số 6 và số 4, bắt sống 9 tên địch. Về phía tiểu đội, qua 3 trận đánh có 2 đồng chí hy sinh và 3 đồng chí bị thương. Đến khoảng 8 giờ tối, Đại đội 5 làm nhiệm vụ chi viện đã có mặt. Lúc này đơn vị tập trung vào khâu giải quyết chiến trường, sau đó triển khai ngay kế hoạch chống tái chiếm lần thứ hai của địch.
Cuộc chiến đấu mới diễn ra gần một tháng trong thế giằng co vô cùng ác liệt. Ngoài xe tăng, máy bay, đại bác, chúng còn đưa về đây súng phun lửa - một loại vũ khí giết người man rợ. Tuy vậy với ý chí kiên cường, trí thông minh và lòng dũng cảm, các ông đã buộc chúng lặng lẽ rút lui nhục nhã. Chiến thắng Đồi Xanh, C1 cùng nhiều trận đánh khác của ông và đơn vị đã góp phần to lớn vào thắng lợi “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Xét công lao to lớn ấy, ngày 7.5.1956, ông được Chủ tịch nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Năm 1960, ông được Quân đội gửi sang Trường Đại học Bách khoa đào tạo thành kỹ sư vô tuyến điện. Tốt nghiệp đại học, ông về công tác tại nhà máy M1, Binh chủng Thông tin Liên lạc. Trong mọi hoàn cảnh khó khăn gian khổ, ông đã không ngừng phấn đấu, trưởng thành từ một cán bộ kỹ thuật lên tới Giám đốc. Sau 38 năm chiến đấu và công tác, năm 1990 ông được nghỉ hưu với quân hàm đại tá.
Về địa phương, ông tích cực tham gia công tác xã hội, từng được báo cáo điển hình tại Hội nghị “người tốt, việc tốt” của Thủ đô. Đặc biệt năm nay đã ở tuổi 85, ông vẫn đoạt giải nhất cuộc thi viết về “Ký ức Điện Biên” do Trung ương Hội Cựu chiến binh và Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp tổ chức.
LÊ ĐÌNH VƯỢNG