Chẳng hẹn trước vậy mà tháng 5 này, người người muôn phương lại hành hương về mảnh đất Điện Biên Phủ lịch sử, để nhớ hơn, để tự hào hơn về cuộc thư hùng bi tráng của dân tộc cách đây tròn 70 năm, để thấy sự đổi thay ở mảnh đất anh hùng này.
Mảnh đất hào hùng
Những ngày này 70 năm trước, quốc lộ 41 lửa đỏ từng cung đường. Theo đề nghị của Đờ-cát, Chỉ huy trưởng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và lệnh của Nava, Tổng Tư lệnh quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương là không quân Pháp phải oanh tạc quốc lộ 41 với tần suất cao nhất để ngăn cản sức chi viện cho chiến trường Điện Biên Phủ. Còn hôm nay, 70 năm sau ngày Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng thì quốc lộ 6 (là quốc lộ 41 trước kia) đã trải dài như dải lụa đưa du khách từ khắp mọi miền về với Điện Biên. Trên con đường chinh chiến năm xưa, vẫn còn đó các địa danh: Cò Nòi, Pha Đin, Nà Tấu, Nà Nhạn... như còn vọng về tiếng “hò dô” trầm hùng, tiếng chão nghiến vào những đôi vai trần rớm máu và những tiếng hô "xung phong" của bao người xông trận chẳng tiếc tuổi xuân xanh…
Và đây, TP Điện Biên Phủ hôm nay là những dài dọc rộng ngang theo trục đường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp, giờ có trường học, công sở và nhiều trung tâm thương mại sầm uất. Đường phố Điện Biên tấp nập suốt cả ngày, đêm đêm rực rỡ sắc cờ hoa. Từ trên đỉnh đồi D1 - nơi có tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ nhìn sang bốn phía, ta thỏa sức phóng tầm mắt thật rộng và thật xa ngắm cảnh thung lũng Mường Thanh với sân bay Điện Biên Phủ hiện đại bậc nhất trong khu vực trung du miền núi phía Bắc, cầu Thanh Bình nguy nga tráng lệ nối đôi bờ sông Nậm Rốm hiền hòa, dòng sông “chở” bao chuyện trong quá khứ chưa xa!
Về Điện Biên hôm nay sẽ chẳng khó khi tìm gặp những người chiến sĩ Điện Biên, như các ông Nguyễn Hữu Chấp, Bùi Kim Điều, Phạm Bá Miều, Phạm Đức Cư… để được nghe kể về những trận chiến sinh tử ở Trung tâm đề kháng Him Lam, trận đánh đồi Độc Lập, đồi A1… dẫu hiểm nguy gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng. Tuổi cao sức yếu, có nhiều chuyện lúc nhớ lúc quên thế nhưng từng lời trong quyết tâm thư trước lúc vào trận chiến thì những người lính Điện Biên năm xưa còn mãi nhớ. Rồi những hôm gặp bạn chiến đấu hay khi trò chuyện với các cháu thiếu niên nhi đồng trên đồi A1 lịch sử, những người lính năm xưa vẫn nhớ từng chữ từng từ họ đã nắn nót trong bức tâm thư. “Để thể hiện quyết tâm chiến đấu và chiến thắng, trước khi đánh vào Trung tâm đề kháng Him Lam của địch, các đảng viên đều viết quyết tâm thư sẵn sàng xung phong hoàn thành nhiệm vụ ngay trong đêm 13/3, không để trận đánh kéo dài sang những ngày hôm sau!”, ông nguyễn Hữu Chấp, khẩu đội trưởng cối 82 Đại đội 12, Tiểu đoàn 11, Trung đoàn 209, Sư đoàn 312 đã kể như thế!
Trong dòng người nườm nượp về Điện Biên, tôi may mắn được trò chuyện với Thiếu tướng Lưu Xuân Cải, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Hải Phòng và được nghe ông chia sẻ về cảm nhận Điện Biên trong trái tim ông. Thiếu tướng Lưu Xuân Cải cho biết: Trong trái tim mỗi người lính, ba tiếng “Điện Biên Phủ” rất đỗi thiêng liêng. Bởi vậy, không chỉ những chiến sĩ từng tham gia trận đánh Điện Biên Phủ mà lớp trẻ hôm nay đều mong mỏi được về thăm chiến trường Điện Biên Phủ, để hiểu hơn tấm gương anh dũng chiến đấu của thế hệ cha anh đã cống hiến, hy sinh cho hòa bình, độc lập của dân tộc Việt Nam và nhân dân các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới. “Mỗi lần về Điện Biên thăm lại di tích như đồi A1, hầm chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Mường Phăng và viếng hương hồn các anh hùng liệt sĩ… tôi như vẫn nghe được những tiếng hò dô, tiếng xung phong của các chú, các anh đã xông lên trên chiến trường đỏ lửa. Điện Biên Phủ trong tôi rất đỗi thiêng liêng, anh hùng!”, Thiếu tướng Lưu Xuân Cải nghẹn ngào khi nói với chúng tôi.
Dựng xây cuộc sống mới nghĩa tình
Tiếp nối truyền thống hào hùng của chiến sĩ Điện Biên, 70 năm qua, trên nền chiến trường Điện Biên Phủ đã có lớp lớp những con người nỗ lực dựng xây. Trong những thế hệ ấy, có hàng nghìn thanh niên từ khắp các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hưng Yên, Thanh Hóa, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương… xung phong lên Điện Biên xây dựng công trình Đại thủy nông Nậm Rốm - công trình thủy lợi đầu tiên, duy nhất, hiện đại nhất tỉnh Lai Châu (cũ) nói riêng và khu vực Tây Bắc nói chung lúc bấy giờ. Trong suốt sáu năm thi công công trình (từ năm 1963 - 1969), gần 2.000 thanh niên xung phong với các phương tiện thô sơ làm việc liên tục đã hoàn thành xây dựng một đập ngăn sông, một tường chắn sóng, đào đắp một kênh chính gần 1 km và hệ thống kênh tả, hữu dài 34 km, ôm trọn lòng chảo Mường Thanh có cánh đồng Nhất Thanh trong khu vực Tây Bắc.
Nhờ có Đại Thủy nông Nậm Rốm, diện tích canh tác trên cánh đồng Mường Thanh được mở rộng từ 2.000 ha lên hơn 5.000 ha; nông dân Điện Biên tăng từ sản xuất một vụ thành hai vụ lúa nước và một vụ rau màu; có những diện tích đạt năng suất 10 tấn/ha. Năng suất vượt trội, chất lượng gạo trên cánh đồng Mường Thanh nức tiếng gần xa; người nông dân Điện Biên giờ cũng tự tin đem hàng hóa, nông sản mang thương hiệu Điện Biên đi giới thiệu với bạn hàng trong nước, thế giới.
Cảm ơn tấm lòng, tình cảm của nhân dân cả nước đã luôn dõi theo, ủng hộ và hướng về Điện Biên, đồng chí Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, cho biết từ nguồn lực hỗ trợ của Trung ương, ủng hộ giúp đỡ của các tỉnh, thành phố và nguồn lực của địa phương, Điện Biên đã tập trung vào các chương trình, chính sách phát triển. Hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, điện, thông tin liên lạc, thủy lợi, nước sinh hoạt và dịch vụ xã hội như y tế, giáo dục, việc làm... được cải thiện đáng kể. Đời sống sinh hoạt, thu nhập của người dân trên địa bàn nói chung và đồng bào các dân tộc thiểu số ở các huyện vùng cao, biên giới nói riêng đã từng bước được nâng lên. Các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy; khối đại đoàn kết dân tộc được tăng cường, an ninh trật tự được bảo đảm...
Ngay đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Điện Biên đã xác định huy động mọi nguồn lực thực hiện hai chương trình “Mái ấm nghĩa tình - an sinh xã hội ” và “Đưa điện về thắp sáng vùng cao”, với mong muốn tri ân các gia đình chính sách, đồng bào nghèo ở vùng cao để mọi người được ở trong những ngôi nhà vững chắc, có điện về để cuộc sống vơi bớt khó khăn. Cùng với sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành và nhân dân cả nước, chỉ trong vòng 9 tháng kể từ khi phát động (tháng 4/2023 đến tháng 1/2024), Điện Biên đã xây mới 5.000 căn nhà cho hộ nghèo, gia đình chính sách với tổng kinh phí 489,4 tỷ đồng.
Chương trình “Đưa điện về thắp sáng vùng cao” nhận được sự hỗ trợ đầu tư 465 tỷ đồng để xây dựng thêm các công trình đưa điện về 108 thôn, bản của 37 xã thuộc 8 huyện với tổng số 6.605 hộ được sử dụng điện lưới, nâng tỷ lệ hộ dân toàn tỉnh được sử dụng điện lên 93,26% (tăng 9,86% so với năm 2015). Năm 2024, Điện Biên tiếp tục đầu tư công trình cấp điện cho 854 hộ của 11 thôn, bản; riêng huyện Điện Biên Đông được cấp ủy và chính quyền TP Hồ Chí Minh hỗ trợ 50 tỷ đồng để đầu tư cấp điện cho 615 hộ thuộc 12 thôn bản... Với kế hoạch này, đến cuối năm 2024 Điện Biên sẽ hoàn thành mục tiêu đưa điện về 118 thôn, bản, tập trung chủ yếu cho các hộ dân ở khu vực vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh.