Quốc phòng

Những anh hùng ra đi từ mùa xuân ấy để đất nước bình yên: Bài 3 - Nhớ lời nhắn gửi của cha

TIẾN HUY 19/02/2024 06:02

Có biết bao người con sinh ra thì người cha đã nằm lại chiến trường, hoặc họ còn quá nhỏ nên không còn ký ức về cha. Nhưng nhờ có những người mẹ tảo tần và có trong mình dòng máu của người cha anh hùng, những người con ấy đã trưởng thành.

00:00

59897093-1673-4db3-b8db-7e6d81817e59-487-0000066897f0435f(1).jpg
Anh Nguyễn Văn Lân (bên trái) cùng mẹ nhận quà nhân 45 năm cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc do đại diện Báo Thanh Niên trao

Tự hào về người bố anh hùng

Anh Nguyễn Văn Lân, sinh năm 1977, là con trai liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Xuân Kim, quê xã Lạc Long (Kinh Môn). Liệt sĩ Nguyễn Xuân Kim ngã xuống đúng ngày 17/2/1979, khi Trung Quốc bắt đầu chính thức tấn công Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía Bắc.

Bố nằm xuống khi chưa đầy 2 tuổi nên mọi thông tin, hình dung về bố, anh Lân chỉ có được qua lời kể của người mẹ và những người đồng đội của bố trong Hội đồng ngũ mà anh tự nguyện tham gia. Lớn lên thiệt thòi không còn bố, song anh Lân kể, anh luôn tự hào vì bố của mình là một anh hùng. Và lời dặn dò "Con mau lớn để giúp mẹ, giúp chị" mà người bố nhắn gửi cho mẹ trước lúc ông lên đường rồi nằm lại mãi với biên cương đã được anh lấy làm kim chỉ nam cho cuộc sống sau này. Và anh đã làm được, giống lời nhắn gửi của bố năm xưa.

Liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Xuân Kim, sinh năm 1952, thời điểm hy sinh ngày 17/2/1979, ông là thượng sĩ, quyền Đại đội trưởng Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 192 bộ đội địa phương Hoàng Liên Sơn, Quân khu 2. Không chỉ chiến đấu rồi anh dũng hy sinh tại biên giới phía Bắc, từ tháng 6/1972 đến tháng 4/1975, ông chiến đấu ở chiến trường Trị - Thiên và lập nhiều thành tích xuất sắc.

Bà Nguyễn Thị Khách, vợ của liệt sĩ Nguyễn Xuân Kim cho biết chồng bà cũng như hàng vạn người khác sống đời trai thời chiến, sẵn sàng rũ áo ra đi khi Tổ quốc cần rồi thảnh thơi nằm lại. Chồng bà từng chiến đấu ở chiến trường Trị - Thiên khói lửa an toàn trở về song không thoát khỏi cuộc chiến này.

Theo các nguồn tài liệu, tháng 2/1979, đơn vị ông Kim được giao nhiệm vụ giữ chốt Cốc San, huyện Bát Xát (Lào Cai). Ngày 17/2, địch cho một tiểu đoàn có pháo binh, xe tăng yểm trợ chia làm nhiều mũi, từ nhiều hướng đánh phá ác liệt vào trận địa, ông Kim vẫn bình tĩnh chỉ huy đơn vị, chờ địch đến gần mới nổ súng, tiêu diệt nhiều tên. Ông Kim bị thương nhưng tự băng bó, tiếp tục chiến đấu. Bị thương lần thứ hai ngất đi, khi tỉnh lại, ông tiếp tục chỉ huy đơn vị, tổ chức lực lượng đánh vào sườn và phía sau lưng địch. Bị thương lần thứ ba, do vết thương quá nặng, bị ngất nhiều lần, nhưng mỗi lần tỉnh lại, ông vẫn chỉ huy đơn vị chiến đấu. Khi thấy địch đến gần, ông lấy hết sức còn lại gượng dậy, dùng lựu đạn, tiểu liên AK đánh thẳng vào đội hình địch. Trong trận chiến đấu này, đơn vị do ông Kim chỉ huy đã bẻ gẫy 8 đợt tiến công của địch, diệt trên 200 tên, riêng ông Kim được ghi nhận tiêu diệt 60 tên. Ông đã hy sinh sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Nhờ những thành tích đặc biệt xuất sắc, ông được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng III, Huân chương Chiến công hạng II, 2 lần được tặng Danh hiệu dũng sĩ. Ngày 20/12/1979, liệt sĩ Nguyễn Xuân Kim được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Chắc bố đã mỉm cười

2d5ae38d-974d-4ae6-a3ec-735ae8fcfc28-487-00000668784b222f(1).jpg
Bà Nguyễn Thị Khách bên di ảnh của chồng - liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Xuân Kim

Ngoài người con trai là Nguyễn Văn Lân đã kể ở trên, liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Xuân Kim còn có một người con gái lớn là chị Nguyễn Thị Liên, sinh cuối năm 1972. Dù có bố là liệt sĩ không phải nhập ngũ, song tốt nghiệp THPT, chị Liên vẫn xin vào bộ đội rồi trở thành trung tá quân nhân chuyên nghiệp thuộc Sư đoàn 363, Quân chủng Phòng không - Không quân. Khi bố vào chiến đấu ở chiến trường Trị - Thiên, chị Liên còn nằm trong bụng mẹ. Khoảng năm 1976, khi ông Nguyễn Xuân Kim trở về thăm quê, có nói với vợ:

- Đi đằng đẵng thế này, nếu gặp ở ngoài đường, cái Liên cũng không nhận ra bố đâu mẹ nó nhỉ!

Sau lần đó ông Kim lên đường ra biên giới và mãi mãi không trở lại gặp gia đình. Theo bà Nguyễn Thị Khách, thời gian ông Kim tham gia cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, các thành viên trong gia đình đều nóng ruột nóng gan với một câu hỏi: Tại sao ai cũng có thư về nhưng riêng ông Kim thì bặt tin?

Có một lần, bác hàng xóm tên là Sáng sang nhà nói: Nghe trên đài thì có tên chú Kim nhà mình hy sinh rồi. Nhưng đến tháng 6/1981 mới có giấy báo tử gửi về...

Chị gái đã thoát ly, anh Lân ở lại cùng ông bà nội và mẹ rồi lập nghiệp tại quê nhà. Anh Lân cũng có ý định vào bộ đội nhưng có bố là liệt sĩ và chị gái đang trong quân ngũ nên không thực hiện được ý định. Để nghe những câu chuyện về người bố anh hùng của mình, anh đã xin gia nhập Hội đồng ngũ của bố tại xã.

Lấy vợ, sinh con rồi lập nghiệp ở quê, hiện anh Lân đã có một cơ ngơi khang trang, rộng rãi. Ngoài 1 mẫu hành, tỏi và làm nghề nấu rượu truyền thống, anh Lân còn đang xây xưởng sấy hành, tỏi. Kinh tế khá giả, anh đã có 1 người con trai tốt nghiệp đại học, đang công tác tại Hà Nội. Con trai còn lại đang là sinh viên Trường Đại học Y Hải Phòng.

Dù không có một chút ký ức nào về người bố anh hùng của mình, song anh Lân cho rằng anh cùng chị Liên đã làm tốt lời bố nhắn gửi và có lẽ liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Xuân Kim đã mỉm cười khi các con mình đã trưởng thành.

Kỳ sau: Những khúc tráng ca làm nên mùa xuân biên giới

TIẾN HUY
(0) Bình luận
Những anh hùng ra đi từ mùa xuân ấy để đất nước bình yên: Bài 3 - Nhớ lời nhắn gửi của cha