Quốc phòng

Những anh hùng ra đi từ mùa xuân ấy để đất nước bình yên: Bài cuối - Những khúc tráng ca làm nên mùa xuân biên giới

TIẾN HUY 20/02/2024 11:00

Các trận chiến ác liệt trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 xảy ra trong 30 ngày đêm đỏ lửa và kéo dài suốt 10 năm sau đó. 32 tỉnh, thành phố từ Bình Trị Thiên trở ra phía Bắc có nhiều người hy sinh, trong đó có nhiều bộ đội chủ lực, cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ, dân công hỏa tuyến người Hải Dương.

z5145838384522_d5a8fec15a4d80ca2dc59a1df39a0129(1).jpg
Những điểm cao ở Hà Giang một thời từng là chiến trường đỏ lửa trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979

"Chưa về khi Tổ quốc chưa yên"

Trong chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979, có 50 cá nhân quê Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nam, Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Yên Bái, Hà Giang, Cao Bằng... được truy tặng hoặc phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Trong đó, Hải Dương có 4 người được truy tặng danh hiệu này, gồm các liệt sĩ: Phạm Xuân Huân (TP Hải Dương), Trần Trọng Thường (Thanh Hà), Nguyễn Xuân Kim (Kinh Môn), Đỗ Chu Bỉ (Nam Sách) và 1 người được phong tặng là ông Đào Văn Quân, sinh năm 1950, quê xã Cộng Lạc (Tứ Kỳ). Sau này, ông Quân là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP Hà Nội.

z5145838369335_6d79ba81db556a53f0e148c639c9be75.jpg
Đền thờ các anh hùng liệt sĩ mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang)

Phía bên kia biên giới có 2 quân khu: Quân khu Quảng Châu, do tướng Dương Thế Hữu chỉ huy tấn công hướng Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh; Quân khu Côn Minh do tướng Dương Đắc Chí chỉ huy tấn công hướng Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang. Họ đã huy động 32 sư đoàn bộ binh, trong đó có 6 trung đoàn xe tăng (tương đương 550 chiếc); 4 sư đoàn pháo binh (tương đương 480 khẩu pháo) và 1.260 súng cối. Cùng với đó là 1.700 máy bay, 200 tàu chiến thuộc Hạm đội Nam Hải sẵn sàng yểm trợ.

Lịch sử đã khắc ghi, rạng sáng 17/2/1979, pháo binh quân xâm lược bất ngờ bắn phá các mục tiêu trong lãnh thổ Việt Nam, mở màn cuộc chiến tranh phi nghĩa. Hơn 500.000 quân địch cùng hàng nghìn xe tăng, xe cơ giới tràn qua đồng loạt tấn công từ Pa Nậm Cúm (Lai Châu) đến Pò Hèn (Quảng Ninh) trên chiều dài 1.200 km. Tuy nhiên, chúng đã vấp phải sự kháng cự quyết liệt của dân và quân ta.

Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của quân và dân Việt Nam chính thức bắt đầu. Những người lính vừa trở về từ cuộc chiến tranh chống Mỹ dài đằng đẵng lại tiếp tục lên đường với tâm thế "Ta chưa về khi Tổ quốc chưa yên". Các quân đoàn chủ lực của Việt Nam từ biên giới Tây Nam trở ra đã cơ động lên biên giới phía Bắc chiến đấu, cùng với sức ép của cộng đồng quốc tế đã buộc quân bành trướng phải rút lui. Nhưng sau đó, địch vẫn chiếm đóng một số điểm cao ở các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng...

Từ tháng 4/1984 đến tháng 5/1989, hàng chục vạn quân bành trướng lại tràn xuống đánh chiếm biên giới Vị Xuyên. Cả dân tộc Việt Nam phải oằn mình bước vào cuộc chiến chống xâm lấn biên giới, cho đến ngày tiếng súng ngừng hẳn, biên cương Tổ quốc nối liền một dải.

Biên cương nối liền một dải

z5145836215183_39e9cc0e71f674e8d4692bac68511a46.jpg
Ở chiến trường xưa, những đền đài, tấm bia được dựng lên nhắc nhở chúng ta hãy gác lại quá khứ để hướng tới tương lai, song phải luôn ghi nhớ sự hy sinh của các thế hệ cha ông bằng cả trái tim mình

Như ai đó đã từng nói: "Lớp người Việt Nam của thế kỷ XX là lớp người huyền thoại". Quả thực như vậy, qua các cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc trong thế kỷ XX, những lớp người ấy đều xứng đáng là những anh hùng!

Ở Pò Hèn, trên bia vẫn mãi khắc ghi danh các anh hùng liệt sĩ quê Hải Dương: Lê Đình Quảng (Đại Hợp, Tứ Kỳ), Nguyễn Văn Dụng (Văn Đức, Chí Linh), Lê Đình Phương (Hưng Thái, Ninh Giang), Đỗ Văn Thức (Phú Thái, Kim Thành), Trần Thế Tâm (Quốc Tuấn, Nam Sách)... Hay ở các "Lò vôi thế kỷ" Hà Giang, có những cái tên anh hùng liệt sĩ quê Hải Dương: Nguyễn Đình Doanh (Phượng Hoàng, Thanh Hà), Nguyễn Văn Đức (Nhật Tân, Gia Lộc)...

Trong 3 cuộc kháng chiến, Việt Nam còn có 200.000 mộ liệt sĩ chưa được quy tập, 300.000 liệt sĩ chưa xác định được danh tính. Những anh hùng liệt sĩ, nhiều người đã tìm được về với mẹ, dù "Tiễn con đi với đủ hình hài/ Đón con về con đã thành hình đất nước". Nhưng còn rất nhiều người trong số đó vẫn ở lại với chiến trường.

419643369_1078795766672751_2685905458624609243_n(1).jpg
Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên - nơi an nghỉ của khoảng 1.900 liệt sĩ trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979. Ảnh: MINH THỂ

Trong những ngày này, trên mâm cơm ngày đầu xuân của hàng vạn gia đình vẫn còn những chiếc bát, đôi đũa không có người dùng. Đây không chỉ là trăn trở, mà còn là món nợ của toàn thể nhân dân đối với thế hệ đi trước, khi họ đã không tiếc máu xương, tuổi trẻ, sẵn sàng hy sinh tất cả để bảo vệ nền độc lập, tự cường cho dân tộc, bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc và chủ quyền biển đảo.

Chiến tranh đã lùi xa. Màu xanh đã phủ kín trên các chiến trường xưa. Mùa xuân này, hoa đào lại bung sắc hồng rực rỡ trong nắng xuân suốt dặm dài biên cương từ Pa Nậm Cúm cho đến Pò Hèn. Cương thổ quốc gia đã được xây dựng, củng cố vững chắc bằng máu xương của hàng vạn đồng bào, chiến sĩ. Máu xương của các bác, các chú đã hóa vào cây cỏ, tạc vào hồn thiêng sông núi một bản anh hùng ca bất tử trong cuộc chiến đấu chính nghĩa bảo vệ non sông gấm vóc.

Ở những nơi đó, những tượng đài, tấm bia sừng sững đã được dựng lên, như nhắc nhở chúng ta và các thế hệ mãi mãi sau này, hãy gạt bỏ quá khứ để hướng tới tương lai, song phải luôn ghi nhớ sự hy sinh của các thế hệ cha ông bằng cả trái tim mình. Và, hãy cảnh giác, không để Tổ quốc bị động, bất ngờ, vì chủ quyền quốc gia là bất khả xâm phạm, Tổ quốc là trên hết!

TIẾN HUY
(0) Bình luận
Những anh hùng ra đi từ mùa xuân ấy để đất nước bình yên: Bài cuối - Những khúc tráng ca làm nên mùa xuân biên giới