Thời tiết giao mùa thu đông, độ ẩm không khí cao trong những ngày qua đã làm gia tăng các bệnh truyền nhiễm, bệnh đường hô hấp ở trẻ nhỏ. Một số cơ sở điều trị cho trẻ em đang trong tình trạng quá tải.
Bác sĩ Bệnh viện Nhi Hải Dương khám bệnh cho trẻ
Khoảng 1 tuần trở lại đây, lượng trẻ đến khám và điều trị tại Bệnh viện Nhi Hải Dương tăng đột biến so với thời gian trước. Trung bình mỗi ngày bệnh viện có trên 250 trẻ đến khám. Bệnh viện đang thu dung và điều trị 330 trẻ, tăng gần 40% so với thời điểm hè và gấp đôi so với thời điểm này năm trước.
Các bệnh chủ yếu liên quan đến đường hô hấp, như viêm phổi, viêm phế quản, hen phế quản... Trung bình mỗi ngày, Khoa Hô hấp của bệnh viện tiếp nhận 20 bệnh nhân vào điều trị. Ngày 25.9, bệnh viện điều trị cho trên 90 bệnh nhân, ngày cao điểm lên tới hàng trăm trẻ, tăng gần gấp đôi so với số giường bệnh được giao. Khoa đã bố trí 108 giường để thu dung bệnh nhân vào điều trị và buồng bệnh cách ly cho trẻ mắc bệnh truyền nhiễm gây dịch.
Bác sĩ Trần Thị Yến, Phó Trưởng Khoa Hô hấp cho biết: “Trong số bệnh nhân đang điều trị tại khoa có tới trên 30% trẻ nhiễm virus RSV, còn lại là trẻ mắc viêm phổi do vi khuẩn, viêm thanh quản, hen phế quản, một số ít trẻ viêm phổi nặng dẫn tới suy hô hấp phải thở ô xy. Một số trường hợp trẻ viêm phổi dai dẳng phải điều trị kéo dài hàng chục ngày, thậm chí một số trẻ chỉ trong thời gian ngắn bị viêm phổi tái diễn phải nhập viện. Đối tượng mắc chủ yếu là nhóm trẻ dưới 2 tuổi”.
Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh những ngày gần đây lượng trẻ vào điều trị cũng tăng cao. Ngày 25.9, khoa điều trị cho trên 60 trẻ chủ yếu liên quan các bệnh đường hô hấp, viêm họng, viêm Amidan, một số trẻ mắc tiêu chảy và chủ yếu ở nhóm trẻ dưới 5 tuổi.
Cùng với bệnh đường hô hấp tăng đột biến, trẻ mắc các bệnh truyền nhiễm cũng tăng cao. Ngày 25.9, Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi Hải Dương) điều trị cho hơn 60 trẻ. Trong đó 20 trẻ mắc Covid-19, 14 trẻ mắc tay-chân-miệng, 2 ca sốt xuất huyết, 1 cháu mắc virus Adeno, còn lại là mắc cúm. Bác sĩ Trần Thị Thanh Nhàn, Trưởng Khoa Truyền nhiễm cho biết: “Số trẻ mắc cúm A đang giảm nhưng cúm B năm nay tăng đột biến. Những năm trước trung bình một năm khoa chỉ điều trị cho vài trường hợp, tuy nhiên vài ngày qua khoa đã thu dung và điều trị tới 14 ca, chủ yếu ở nhóm trẻ từ 5-10 tuổi. Một số trường hợp gia đình đã tự ý điều trị tại nhà vài ngày không đỡ mới đưa đến bệnh viện tiếp tục điều trị”.
Một trong những nguyên nhân có thể dẫn tới trẻ mắc bệnh nhiều thời gian này là do thời tiết thay đổi nóng, lạnh liên tục trong ngày, độ ẩm không khí cao tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus gây bệnh phát triển, trẻ nhỏ sức đề kháng yếu nên dễ nhiễm bệnh. Đặc biệt, sau khi nhiều trẻ mắc Covid-19, hệ miễn dịch kém nên dễ mắc bệnh và khi nhiễm bệnh nặng hơn.
Các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh cần đặc biệt chú ý và thường xuyên theo dõi sức khỏe của trẻ trong thời gian này. Tuyệt đối không nên tự ý mua thuốc điều trị tại nhà và không sử dụng kháng sinh khi trẻ chưa được khám và bác sĩ kê đơn. Tuyệt đối không tự ý đổi loại kháng sinh hoặc tự ý tăng liều sử dụng. Những sai lầm này có thể khiến vi khuẩn gây bệnh kháng thuốc và sẽ rất khó khăn để điều trị các nhiễm trùng cho trẻ lần sau.
Ngoài ra, phụ huynh cần cung cấp đầy đủ khoáng chất, vitamin D cho trẻ do trong quá trình điều trị phát hiện nhiều trẻ thiếu nhóm vitamin này. Sử dụng điều hòa đúng cách, chú ý giữ thân nhiệt cho trẻ khi ngủ, tránh để trẻ nhiễm lạnh. Tăng cường cho trẻ vận động, vui chơi ở nơi thông thoáng, hạn chế môi trường khép kín như trong nhà, phòng điều hòa, nơi đông người. Đối với nhóm trẻ dưới 5 tuổi cần thường xuyên vệ sinh cá nhân, vệ sinh răng, miệng, họng, mũi cho trẻ. Lưu ý chế độ dinh dưỡng nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn, đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Tiêm đầy đủ các mũi vaccine phòng bệnh cho trẻ để tạo hệ miễn dịch…
ĐỨC THÀNH