Là niềm mong mỏi của người dân nơi đây nên ngay khi tỉnh có chủ trương xây dựng cầu Mây, phần lớn các hộ dân đều đồng thuận và nhanh chóng bàn giao đất theo quy định.
Hầu hết cá nhân, tổ chức ở hai huyện Kim Thành, Kinh Môn đều đồng thuận với phương án thu hồi, đền bù để xây dựng cầu Mây
Do sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, địa phương, sự đồng thuận ủng hộ của nhân dân ở 2 huyện Kim Thành và Kinh Môn, tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án cầu Mây cơ bản thuận lợi, một số khu vực sẽ được bàn giao sớm hơn dự kiến.
Bàn giao mặt bằng sớm
Hiện nay, để đi lên TP Hải Dương hay sang huyện Kim Thành, người dân ở các xã phía tây của huyện Kinh Môn chỉ có cách duy nhất là đi qua phà. Dự án cầu Mây là niềm mong mỏi bao đời của người dân nơi đây. Xác định việc xây dựng cầu Mây có vai trò quan trọng không chỉ đối với việc đi lại của nhân dân mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của khu vực nên ngay khi UBND tỉnh có quyết định xây dựng cầu, công tác GPMB đã được 2 huyện Kinh Môn và Kim Thành tích cực triển khai thực hiện.
Để phục vụ thi công dự án cầu Mây, huyện Kinh Môn phải thu hồi 5,3 ha đất ở thôn Lộ Xá, xã Thăng Long; huyện Kim Thành phải thu hồi 1,45 ha đất ở thôn Vũ Xá, xã Thượng Vũ. Diện tích thu hồi gồm: Đất trồng lúa, trồng cây lâu năm, đất ở, đất sản xuất, kinh doanh... Riêng huyện Kinh Môn có 3 hộ dân phải thu hồi 100% diện tích đất ở và được bố trí tái định cư.
Hội đồng GPMB của cả 2 huyện đã phối hợp với các xã nhanh chóng thống kê, đo đạc, đối chiếu nguồn gốc đất đai của các tổ chức, cá nhân và xây dựng phương án đền bù theo quy định của pháp luật. Đến nay, tất cả 25 hộ dân, tổ chức của huyện Kim Thành đã ký xong biên bản và chờ ngày nhận tiền đền bù. Với hơn 3,24 ha đất ngoài đê, huyện Kinh Môn đã hoàn thành các thủ tục, người dân cũng đã ký các biên bản bàn giao mặt bằng. Huyện sẽ chi trả 2,6 tỷ đồng tiền bồi thường cho các tổ chức, cá nhân trước ngày 20.7. Ông Nguyễn Đình Lưu, Phó Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Kinh Môn cho biết: "Theo kế hoạch, huyện sẽ bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công trong tháng 8, nhưng do đẩy nhanh tiến độ thực hiện ở tất cả các khâu nên có thể bàn giao một phần đất cho đơn vị thi công ngay trong tháng7. Phần còn lại, huyện đang tập trung tháo gỡ khó khăn, phấn đấu bàn giao đúng kế hoạch".
Một trong những khó khăn đối với huyện Kinh Môn là phần đất trong đê các hộ dân không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên khó xác định nguồn gốc, ranh giới đất. Huyện và xã đang chuẩn bị đối thoại với người dân để làm rõ một số vấn đề liên quan. Cùng việc thống kê, bồi thường diện tích đất, cả 2 huyện cũng đã làm việc với các bên liên quan để lập phương án di dời đường điện, nước, cáp viễn thông.
Sẵn lòng vì lợi ích chung
Là niềm mong mỏi của người dân nơi đây nên ngay khi tỉnh có chủ trương xây dựng cầu Mây, phần lớn các hộ dân đều đồng thuận và nhanh chóng bàn giao đất theo quy định. Hộ ông Lương Văn Mực ở thôn Lộ Xá, xã Thăng Long cùng với các con của ông có 100% diện tích đất bị thu hồi phải tái định cư sang xã Quang Trung. Mặc dù không còn được ở trên mảnh đất của cha ông để lại nhưng ông vẫn rất vui vẻ. Ông Mực cho biết: "Gia đình tôi và con trai đang sử dụng 900m2 đất ở xã Thăng Long. Hiện nay, chúng tôi đã được bố trí 300m2 ở xã Quang Trung để tái định cư. Mọi người trong gia đình tôi đều đồng thuận với việc thu hồi đất".
Để có được sự đồng thuận cao của người dân, UBND 2 huyện Kinh Môn và Kim Thành đã giao cho UBND xã Thăng Long và Thượng Vũ, các tổ chức đoàn thể tuyên truyền, vận động, phân tích để người dân thấy được lợi ích của việc xây dựng cầu. Tất cả mọi công đoạn từ thống kê, đo đạc, kiểm đếm tài sản đều diễn ra công khai, người dân tham gia giám sát. Sau khi kiểm đếm xong, UBND các xã đều niêm yết công khai danh sách diện tích đất, tài sản trên đất và số tiền được nhận của từng tổ chức, cá nhân tại nhà văn hóa thôn và trụ sở UBND xã để kiểm tra, đối chiếu. Đến nay, việc thống kê, đền bù ở 2 xã khá suôn sẻ. Anh Hoàng Văn Công, cán bộ địa chính xã Thượng Vũ cho biết: "Chúng tôi đã đẩy mạnh tuyên truyền để nhân dân nắm được chủ trương, kế hoạch của tỉnh. Tất cả các công đoạn đều được địa phương công khai nên các hộ dân, tổ chức thu hồi đều đồng thuận, không có ý kiến thắc mắc. Việc thống kê, đo đạc diễn ra nhanh chóng, thuận tiện".
NGỌC THỦY