Đấu giá đất để xây dựng nông thôn mới

01/04/2021 07:13

Phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) của Hải Dương đang bước sang giai đoạn mới khi tỉnh đã cơ bản thực hiện xong NTM và các địa phương đang hướng tới mục tiêu cao hơn là NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Chặng đường đã qua với nhiều kết quả tích cực song cũng có điểm gợn cần nhìn nhận lại để tìm hướng đi đúng đắn sắp tới, nhất là đấu giá quyền sử dụng đất để có vốn xây dựng NTM.

NTM là chương trình toàn diện về mọi mặt đời sống nên cần nỗ lực rất lớn của các xã, đặc biệt trong xây dựng cơ sở hạ tầng. Đường mới, trường mới, nhà văn hóa mới luôn là gánh nặng của mỗi địa phương. Với mong muốn nhanh chóng đạt được những tiêu chí này, bên cạnh sự hỗ trợ từ cấp trên, huy động trong dân, thì cách nhanh nhất có nguồn lực thực hiện là đấu giá quyền sử dụng đất. Hầu như các địa phương đều lựa chọn cách làm này để giải quyết khoản nợ đọng hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng đầu tư cho xây dựng NTM. Theo số liệu từ cơ quan chuyên môn, trong giai đoạn 2011-2015, toàn tỉnh nợ 800 tỷ đồng xây dựng NTM, đến năm 2018 còn 38tỷ đồng và từ tháng 2.2020 đến nay cơ bản không còn nợ. Thế nhưng, cơ bản ở đây không phải tất cả các xã đã trả được nợ mà nhiều xã mới chỉ tìm được nguồn trả nợ. Nguồn thì đa phần từ bán đất. 

Đất đai nếu biết cách khai thác, sử dụng thì sẽ là nguồn tài nguyên mang lại hiệu quả kinh tế bền vững, còn nếu cắt ra, chia lô, bán nền thì sẽ chỉ thu được nguồn lợi tức thì rồi vĩnh viễn mất đi giá trị lâu dài. Và thực tế này đã, đang và sẽ tiếp tục diễn ra khi sắp tới các xã xây dựng NTM với những tiêu chí cao hơn và khó hơn rất nhiều lần. Quan điểm xây dựng NTM xuyên suốt từ Trung ương tới địa phương là chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc. Vậy tại sao phải nôn nóng đặt mục tiêu về đích trong 1 năm, 2 năm để rồi mất đi nguồn tài nguyên quý giá? Song cũng không thể vì lý do này mà chây ỳ, trông chờ sự hỗ trợ từ cấp trên.

Cái đích của NTM là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Người dân là chủ thể xây dựng và thụ hưởng thành quả mà NTM mang lại. Vì vậy, sẽ ra sao khi địa phương có hạ tầng khang trang nhưng người dân vẫn đói nghèo, thiếu thốn. NTM là thiết thực song phải thực chất. Các xã không nên chạy theo thành tích, chỉ để có được tấm bằng công nhận mà đốt cháy giai đoạn, vừa gây lãng phí cơ sở vật chất, vừa đẩy mình vào thế khó khi tài nguyên đất đai cạn dần. Hiện nay, không ít nơi trong tỉnh, người dân lo lắng vì có những khu đất sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao sớm muộn cũng bị thu hồi để thành khu dân cư. Khai thác giá trị trên đất là lâu dài nhưng diện tích đất có hạn, cứ cắt dần cũng sẽ hết. Khi đó, các xã sẽ mất dần lợi thế phát triển kinh tế-xã hội về sau.

Xây dựng NTM là nhiệm vụ dài lâu, vì thế không thể dùng giải pháp nóng vội để thực hiện. Cốt lõi của NTM là tạo ra sức mạnh nội lực và dùng chính nguồn lực này làm thay đổi diện mạo quê hương. Từ đó, tạo sự đồng thuận, ủng hộ cao của người dân. Thay vì bán đất thực hiện những tiêu chí khó, các xã cần đẩy mạnh phát triển kinh tế bằng những mô hình mới, cách làm hay. Khi người dân có thu nhập ổn định thì việc huy động nguồn lực xây dựng NTM sẽ dễ dàng hơn. Các địa phương cần xác định xây dựng NTM là phát triển kinh tế và phát triển kinh tế là xây dựng NTM. Có như vậy, phong trào NTM mới đi vào thực chất, không tạo ra áp lực và gánh nặng cho mỗi địa phương.

HOÀNG LINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đấu giá đất để xây dựng nông thôn mới