Cuộc đối đầu Mỹ - Iran chưa có hồi kết

21/09/2020 08:08

Một bên trừng phạt, một bên phản đối, vòng lặp này diễn ra khiến sự đối đầu giữa Mỹ và Iran vẫn chưa có hồi kết.


Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị

Hôm 20.9, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố các biện pháp trừng phạt của Liên hợp quốc (LHQ) nhằm vào Iran đã “có hiệu lực trở lại” và Washington sẽ “áp đặt những hậu quả” nếu các nước thành viên LHQ không thực thi lệnh trừng phạt. 

Ông nêu rõ: “Nếu các nước thành viên LHQ không hoàn thành cam kết của họ về thực thi những biện pháp trừng phạt này, Mỹ sẵn sàng sử dụng nhà chức trách trong nước để áp đặt những hậu quả đối với những thất bại đó và đảm bảo rằng Iran không thể hưởng lợi từ hoạt động bị LHQ cấm”. 

Ngay sau tuyên bố này, trong phản ứng đầu tiên, phát biểu trên kênh truyền hình quốc gia, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif khẳng định Mỹ sẽ không thể khôi phục các lệnh trừng phạt từng được áp đặt trước năm 2015 đối với Tehran trong ý định đơn phương tại Hội đồng Bảo an LHQ, đồng thời cho rằng cộng đồng quốc tế cần phản đối việc Washington sử dụng các biện pháp trừng phạt trên. 

Ông nhấn mạnh, Mỹ đã đánh mất thẩm quyền đối với thỏa thuận hạt nhân lịch sử, được Iran ký với Nhóm P5+1 (gồm Anh, Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc và Đức) năm 2015, khi đơn phương rút khỏi thỏa thuận này vào năm 2018. Theo ông, bản thân các quan chức Mỹ cũng hiểu rõ những biện pháp trừng phạt là “vô ích”, song vẫn buộc phải sử dụng chính sách theo kiểu “bắt nạt” này trong quan hệ quốc tế.

Cách đây hơn 1 tháng, đề xuất kéo dài các lệnh trừng phạt với Iran tại LHQ của Mỹ bị thất bại tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ, với một cuộc bỏ phiếu mà trong đó chỉ có 2 phiếu ủng hộ (một phiếu của Mỹ). 

Sau thất bại này, Tổng thống Donald Trump đã lên tiếng tuyên bố sẽ sử dụng một công cụ gây tranh cãi nhằm đơn phương khôi phục các lệnh trừng phạt của LHQ với Iran, một động thái sẽ tác động lớn đến thỏa thuận hạt nhân Tehran. 

Đồng quan điểm, Ngoại trưởng Mike Pompeo khẳng định: “Mỹ sẽ không bao giờ từ bỏ những người bạn trong khu vực, những người đã đặt kỳ vọng nhiều hơn vào Hội đồng Bảo an. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc để bảo đảm rằng chế độ chính trị thần quyền khủng khiếp ấy không thể tự do mua bán các loại vũ khí đe dọa đến trái tim của châu Âu, Trung Đông và cả những nơi khác nữa”. 

Trong khi đó, Đại sứ Mỹ tại LHQ Kelly Craft thì chia sẻ rằng, Washington đã quá mệt mỏi, “nhưng không hề ngạc nhiên” khi đa số thành viên Hội đồng Bảo an “bật đèn  xanh" cho Iran mua và bán tất cả các thể loại vũ khí truyền thống”. Bà cảnh báo: “Sự thất bại của Hội đồng Bảo an ngày hôm nay chẳng giúp gì được cho cả hòa bình lẫn an ninh. Thay vào đó, nó sẽ kích động sự xung đột lớn hơn và bất ổn an ninh nhiều hơn”.

Về phía Iran, sau khi kết quả cuộc bỏ phiếu được công bố, Tổng thống Hassan Rouhani không giấu nổi sự hân hoan của mình khi tuyên bố Mỹ đã thất bại trong nỗ lực tiêu diệt cái mà ông gọi là thỏa thuận “chỉ có nửa hiệu lực” với các cường quốc, vốn trao cho Iran một sự nới lỏng trừng phạt để đổi lấy sự hạn chế chương trình hạt nhân của nước này. 

Ông nói: “Âm mưu của Mỹ đã thất bại một cách ê chề. Ngày này sẽ đi vào lịch sử của Iran và lịch sử của cuộc chiến chống lại thái độ ngạo mạn trên toàn cầu”. Ngoại trưởng Iran Abbas Mousavi thì lên Twitter mỉa mai Mỹ chỉ nhận được sự ủng hộ của đúng một quốc gia là Cộng hòa Dominicana: “Trong lịch sử 75 năm của LHQ, Mỹ chưa bao giờ cô đơn đến thế”. Phái đoàn Trung Quốc tại LHQ cũng viết trên Twitter: “Kết quả này một lần nữa cho thấy chủ nghĩa đơn phương không được ủng hộ, và sự ức hiệp sẽ bị thất bại”.

Iran và Trung Quốc hiện đang chuẩn bị một thỏa thuận an ninh và kinh tế lớn chưa từng thấy với thời hạn 25 năm, theo đó, Bắc Kinh sẽ đầu tư tới 400 tỷ USD vào Iran. Thỏa thuận được đề xuất này đã được bàn thảo trong một thời gian dài, và điều đáng chú ý là bối cảnh địa chính trị và lịch sử đã thúc đẩy hai nước xích lại gần nhau. 

Khi tài liệu dự thảo thỏa thuận bị rò rỉ, nhiều nhà phân tích đã nhận định rằng Trung Quốc và Iran đang xích lại gần nhau do sức ép của Mỹ gia tăng. Đây là một giả thiết có thể hiểu được, nhưng còn nhiều điều hơn thế nữa. Việc Iran quay sang Trung Quốc không có gì đáng ngạc nhiên; điều đó đã được chuẩn bị trong nhiều năm. 

Thỏa thuận thể hiện một phản ứng hợp lý của giới tinh hoa chính trị Iran trước sự thay đổi trật tự địa chính trị ở lục địa Á-Âu, cụ thể là sự trỗi dậy của Trung Quốc. Giống như hầu hết các quốc gia trên thế giới, Iran quan tâm đến việc hợp tác với cường quốc Á-Âu mới nổi. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Iran dưới thời chính quyền Mahmoud Ahmadinejad, người khởi xướng chương trình “Hướng Đông” của nước Cộng hòa Hồi giáo.

Các mối quan hệ của chế độ với Nga thường được mô tả là gần gũi, nhưng sự không tin tưởng lẫn nhau giữa họ trong một số sân khấu địa chính trị ngăn cản Tehran “hướng Bắc” để tìm kiếm một lựa chọn thay thế Nga ở Á-Âu. Phương Tây cũng không phải là một lựa chọn khi sức ép từ Mỹ tiếp tục gia tăng. 

Điều đó khiến Trung Quốc trở thành giải pháp thay thế khả thi duy nhất để giảm bớt tình hình kinh tế khó khăn của Iran. Cả Trung Quốc và Iran cũng tìm thấy điểm chung về sự kết nối trên vùng đất Á-Âu và coi mình là trung tâm của bất kỳ dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn hoặc các tuyến đường thương mại trải dài khắp lục địa. Vị trí trung tâm trên Con đường Tơ lụa cổ đại hay hiện đại là nền tảng cơ bản trong nhận thức về địa chính trị của Trung Quốc và Iran. 

Không ngạc nhiên khi một điều khoản quan trọng trong thỏa thuận được đề xuất giúp Iran hội nhập sâu hơn vào Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) của Trung Quốc. Điều này cũng giải thích cho quan điểm của Iran về BRI là một sáng kiến địa kinh tế hơn là một sáng kiến của chủ nghĩa đế quốc. Quan điểm này trái ngược với quan điểm của phương Tây, vốn thường gọi BRI là một dự án “chủ nghĩa thực dân mới”.

Ngoài nhận thức chung giữa hai nước về Con đường tơ lụa, có rất nhiều điều vốn gắn liền với những ý tưởng lịch sử và tư tưởng của Ba Tư và Trung Quốc để kéo hai quốc gia xích lại gần nhau. Tehran và Bắc Kinh đều ủng hộ khái niệm về một thế giới đa cực, tìm kiếm các giới hạn đối với quyền lực của Mỹ và cố gắng theo đuổi các chính sách đối ngoại độc lập. 

Vì vậy, những gì Iran và Trung Quốc đang cố gắng đạt được - trong khi được thúc đẩy ở một mức độ nào đó bởi những phát triển địa chính trị tức thời - phản ánh những động cơ văn minh và ý thức hệ lâu dài. Thậm chí có thể lập luận rằng thỏa thuận Iran-Trung Quốc phù hợp với chiến lược lịch sử của nước này là phòng ngừa rủi ro trước các đối thủ địa chính trị lớn hơn. Vì vậy, chơi “quân bài Trung Quốc” là một phương pháp ngoại giao truyền thống của Iran bắt nguồn từ lịch sử và nhận thức của nước này về sự thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực hoặc toàn cầu.

Người Iran cũng mất lòng tin vào các cường quốc lớn hơn. Nếu tất cả các điều mục trong thỏa thuận đề xuất được thực hiện, giới tinh hoa chính trị Iran có nguy cơ phải nhượng bộ một phần chủ quyền quốc gia cho Trung Quốc. 

Điều đó gần như đi ngược lại hoàn toàn các nguyên tắc của Cách mạng Hồi giáo năm 1979 và khiến khả năng thành công của hiệp định này trở nên đáng nghi ngờ. Iran đang bước vào một thời điểm khó khăn trong lịch sử. Tình hình địa chính trị khu vực và rộng hơn là Á-Âu đang thúc đẩy nước này hướng tới Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và cụ thể là Trung Quốc. 

Tuy nhiên, sự can dự của Tehran với Bắc Kinh đầy cạm bẫy. Kinh nghiệm trong quá khứ không mấy tích cực và người Iran rất nhạy cảm với sức ép từ bên ngoài - cho dù đó là từ người Mỹ hay từ các công ty châu Á đang tìm cách khai thác vị thế đàm phán yếu của Tehran. Điều này chắc chắn sẽ gây ra căng thẳng chính trị nội bộ. 

Trên thực tế, nhiều người trong giới tinh hoa chính trị Iran đã chỉ trích thỏa thuận Iran-Trung Quốc. Điều này có nghĩa là mặc dù có quy mô và tham vọng khổng lồ, thỏa thuận vẫn chưa được đảm bảo.

Theo Công an nhân dân

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cuộc đối đầu Mỹ - Iran chưa có hồi kết