Sách giáo khoa mới và yêu cầu với giáo viên

04/01/2020 07:28

​Vấn đề chọn sách giáo khoa (SGK) mới ra sao đang được dư luận quan tâm vì liên quan mật thiết tới quá trình đổi mới giáo dục và đào tạo.

SGK mới rất quan trọng, song một nhân tố còn quan trọng hơn là giáo viên. Có SGK tốt nhưng giáo viên không tốt thì những cái hay, cái tốt từ sách khó mà chuyển tải được tới học sinh. Do đó, giáo viên là yếu tố quyết định thành công trong sử dụng SGK mới.

Tại buổi họp báo công bố quyết định phê duyệt danh mục SGK lớp 1 diễn ra vào cuối tháng 11 vừa qua, Vụ trưởng Giáo dục Tiểu học Thái Văn Tài cho biết các SGK lớp 1 được xây dựng công phu, bám sát định hướng đổi mới giáo dục phổ thông với trọng tâm chuyển từ chú trọng truyền thụ kiến thức sang giúp học sinh hình thành, phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực. Nhiều sách có quan điểm biên soạn riêng, hiện đại, tiếp cận với cách biên soạn sách của các nước tiên tiến, bảo đảm tính "mở", tạo điều kiện cho giáo viên, học sinh phát huy tính chủ động, sáng tạo theo định hướng Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.

Ở những bộ SGK lớp 1 mới được công bố, nhiều chuyên gia giáo dục đánh giá cao sự đổi mới về nội dung, phương pháp của sách. Các sách đã giảm khối lượng kiến thức trừu tượng, tăng kiến thức thực tiễn, tăng thời lượng thực hành, trải nghiệm. Phương pháp giảng dạy, học tập chuyển sang cách giúp học sinh tìm tòi, khám phá kiến thức, học tập kỹ năng thông qua các trò chơi, các tình huống, câu chuyện, đi tham quan, trải nghiệm... thay vì cách "thầy giảng, trò chép" như trước.

Quan điểm, nội dung, phương pháp của SGK mới như vậy rất đáng mừng. Đây sẽ là nền tảng để giáo viên có những bài học, hoạt động giáo dục tốt cho học sinh. Học sinh sẽ tiếp thu được các kiến thức, kỹ năng vững chắc, gần gũi với đời sống. Những giáo viên tâm huyết, sáng tạo, trách nhiệm cũng thích thú với nội dung, phương pháp giảng dạy trong SGK mới.

Việc sử dụng SGK mới từ năm học 2020-2021 với lớp 1 và những năm sau đó với các lớp tiếp sau, cho đến năm học 2024-2025 sẽ phủ kín bộ SGK mới ở bậc phổ thông. Nhiều người lo lắng khi sử dụng SGK mới, nếu ngành giáo dục và đào tạo không chuẩn bị tốt các điều kiện đi kèm về nhân lực, cơ sở vật chất, hoạt động xã hội hóa giáo dục... thì sẽ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Một bộ phận giáo viên quen với cách dạy truyền thụ kiến thức một chiều nên tư duy xơ cứng, đi vào lối mòn, ngại thay đổi, khó thích ứng với yêu cầu mới. Ngoài ra, nhiều cơ sở giáo dục vẫn còn thiếu số lượng giáo viên so với quy định và yêu cầu thực tế. Đội ngũ giáo viên vừa yếu, vừa thiếu là cản trở lớn khi áp dụng SGK mới. Nếu đội ngũ này không được bổ sung và nâng cao trình độ, năng lực thì khi sử dụng SGK mới sẽ kém hiệu quả.

Trước nhiệm vụ mới, nhiều ý kiến đề nghị ngành giáo dục và đào tạo cần sớm tổ chức các lớp tập huấn cho giáo viên. Việc tập huấn là cần thiết, song cần khắc phục tình trạng nhiều lớp tập huấn hiện nay mang tính hình thức, không hiệu quả. Điều quan trọng nhất vẫn là khơi gợi ý thức tự học, tự bồi dưỡng của mỗi giáo viên. Nên tạo diễn đàn để các giáo viên giàu tính sáng tạo trao đổi, chia sẻ nghiệp vụ với đồng nghiệp.

Các môn học, hoạt động giáo dục được chú trọng phần thực hành, trải nghiệm thực tế, thảo luận, trò chơi... cũng đồng nghĩa với khâu tổ chức tốn nhiều thời gian, công sức, chi phí hơn. Các chi phí có thể phát sinh như đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, dụng cụ, tổ chức đi trải nghiệm ở ngoài nhà trường... Từ thực tế hiện nay, nhà trường không thể có đủ kinh phí để tổ chức thật tốt các hoạt động này mà cần sự chung tay của toàn xã hội, nhất là của các bậc phụ huynh. Tuy nhiên nếu cách triển khai, huy động nguồn lực xã hội hóa không tốt có thể dẫn tới việc không đủ điều kiện cần thiết để tổ chức các hoạt động giáo dục, hoặc có thể xảy ra tiêu cực nếu làm không chặt chẽ.

NINH TUÂN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sách giáo khoa mới và yêu cầu với giáo viên