Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định bộ sẽ định giá mức trần giá sách giáo khoa trên cơ sở tính đúng, tính đủ, hài hoà lợi ích các bên.
Theo quy định tại Luật Giá năm 2023 có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định giá tối đa sách giáo khoa. Các tổ chức sản xuất kinh doanh sách giáo khoa định giá không cao hơn mức giá trần do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.
“Định giá để kiểm soát giá sách giáo khoa như thế nào?” là vấn đề được các chuyên gia thảo luận tại tọa đàm do Báo Đại biểu nhân dân tổ chức chiều 5/4.
Với chủ trương xã hội hóa sách giáo khoa khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới quy định theo Nghị quyết 88 của Quốc hội, hiện đã có 3 bộ sách giáo khoa khác nhau được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt trong các nhà trường. Tuy nhiên, giá sách giáo khoa sau khi được xã hội hóa cao hơn rất nhiều so với giá sách giáo khoa trước đây, gây bức xúc cho người dân.
Theo Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, yêu cầu đặt ra là phải làm thế nào để kiểm soát được giá sách giáo khoa phù hợp với khả năng thanh toán của người dân nhưng cũng khuyến khích được các đơn vị xuất bản ra sách có chất lượng tốt nhất, thực hiện đúng chủ trương một chương trình nhưng nhiều sách giáo khoa.
“Nhiệm vụ của Bộ Giáo dục và Đào tạo là sẽ xây dựng hướng dẫn thực hiện quy định về định giá để hướng dẫn cho đơn vị xuất bản trên cơ sở đó định giá ra sách giáo khoa của mình, nhưng đồng thời cũng đưa ra mức tối đa của mỗi một loại sách giáo khoa đó. Đây là một nhiệm vụ nặng nề,” ông Cường nhận định.
Theo ông Cường, để định giá sách, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải đánh giá, rà soát toàn bộ quy trình làm sách, từ biên soạn, thử nghiệm, thẩm định, tái thẩm định, in ấn, phát hành. Mỗi khâu đều phải xem xét tỷ mỉ, tính toán chính xác chi phí. Cùng với đó là yếu tố thị trường vì nếu thị trường rộng, số lượng in lớn, giá sẽ rẻ hơn và ngược lại.
Tiếp đó cần tính toán đến nhu cầu, khả năng thành toán của người học ở mỗi vùng miền để có những bộ sách với giá thành tốt, ở mức phổ thông, phù hợp và thống nhất với nhu cầu của đa số học sinh.
Trên cơ sở hai yếu tố trên sẽ lên được khung của chí phí cho từng loại sách ở từng cấp độ chất lượng.
Bên cạnh đó cũng cần tính đến lợi ích cho các nhà sản xuất, sao cho người sản xuất, in ấn phải có lãi. Tuy nhiên, ông Cường cho rằng sách giáo khoa là một mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đối với người học và là một sản phẩm xã hội nên không thể chạy theo mục tiêu là kinh doanh để kiếm lợi nhuận. Vì thế, phải xác định xem mức lợi nhuận cho nhà sản xuất bao nhiêu là phù hợp. Yếu tố này kết hợp với khung chi phí sẽ đưa ra được khung giá tối đa cho mỗi loại sản phẩm sách giáo khoa khác nhau.
Chia sẻ từ thực tế, Phó giáo sư, Tiến sỹNguyễn Văn Tùng, Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho hay khi làm sách giáo khoa xã hội hoá, bên cạnh các công đoạn quen thuộc như tổ chức bản thảo, biên tập hoàn chỉnh bản mẫu, in ấn và phát hành, nhà xuất bản sẽ phải làm thêm các công đoạn mới như thực nghiệm bản mẫu, thực nghiệm những tiết dạy được biên soạn trước tại các cơ sở giáo dục theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tập huấn giáo viên sử dụng sách…
Cũng theo ông Tùng, hiện có 3 bộ sách giáo khoa, riêng môn tiếng Anh có tới 10 bộ khác nhau nên số lượng in giảm xuống, chí phí trên mỗi bản sẽ tăng lên so với chỉ có duy nhất một bộ như trước đây.
Giải thích về giá sách giáo khoa mới tăng, ông Tùng cho hay nguyên nhân do nhà xuất bản phải tự bỏ vốn để biên soạn thay vì được lấy từ ngân sách Nhà nước như sách cũ. Nhà xuất bản cũng phải chi thêm cho các khâu trước đây không có. Bên cạnh đó là sự tăng lên của các chi phí liên quan như giá nguyên liệu đầu vào, nhuận bút, nhân công… trong khi số lượng sách in lại giảm.
Theo bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, giá sách giáo khoa là mối quan tâm của toàn xã hội với mong muốn chung là giá ở mức phù hợp. Với 17,6 triệu học sinh phổ thông trên cả nước, thay đổi giá một cuốn sách giáo khoa không nhiều nhưng tổng kinh phí toàn xã hội bỏ ra là con số rất lớn. Quốc hội đã nghiên cứu, xem xét và tính toán rất kỹ trước khi quyết định cần xác định giá trần cho sách giáo khoa.
“Nhà nước định giá sách giáo khoa, đưa ra giá trần là đang hướng tới đối tượng người tiêu dùng, để họ không phải mua sách giáo khoa ở mức giá quá cao. Phía các nhà xuất bản, nhìn tổng thể chắc chắn cũng không bất lợi,” bà Hoa khẳng định.
Phân tích cụ thể hơn, bà Hoa cho rằng khi xác định giá trần, các nhà xuất bản phải có tính toán để điều chỉnh khâu đầu vào của quá trình biên soạn, phát hành sách để bảo đảm giá ở mức chấp nhận được. Việc xác định giá trần cũng sẽ tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh trong thị trường khi vẫn trao quyền quyết định giá bán cụ thể cho các nhà xuất bản.
“Tôi cho rằng, việc định giá sách giáo khoa không cản trở xã hội hóa mà còn tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, thực hiện chủ trương xã hội hóa một cách đúng hướng và bảo đảm mục tiêu định giá sách nhưng đồng thời vẫn khuyến khích, tạo động lực để các nhà xuất bản tham gia xuất bản sách giáo khoa,” bà Hoa nói.
Cũng theo bà Hoa, việc trao quyền cho Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp cùng với Bộ Tài chính định giá sách giáo khoa là Bộ Giáo dục và Đào tạo đang được thực hiện quyền, trách nhiệm của mình đối với người học. Khi có giá sách giáo khoa hợp lý, chắc chắn ngành giáo dục không phải đối mặt với tác động từ dư luận xã hội về giá sách. Điều này là cần thiết để tập trung cho vấn đề cần hướng tới là chất lượng sách có đảm bảo mục tiêu đổi mới mà chương trình đặt ra hay không.
Chia sẻ về tiến độ thực hiện của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Trần Thanh Đạm, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay hiện các bên đang thảo luận về việc phối hợp, rà soát kê khai giá của nhà xuất bản. Bộ cũng đã thảo luận với các cơ quan liên quan về phương pháp định giá, trao đổi với các nhà xuất bản về các yếu tố hình thành giá.
“Tính đúng, tính đủ nhưng phải hài hòa. Chúng tôi có phương án cân đối, rà soát lại từ thông tin của các nhà xuất bản,” ông Đạm nói.
TB (theo Vietnam+)