Các địa phương chủ động giám sát, lấy mẫu xét nghiệm bệnh cúm gia cầm để kịp thời cảnh báo, áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Phun hóa chất tiêu độc khử trùng để phòng chống cúm gia cầm. Ảnh: TTXVN
Ngày 3.2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Công điện khẩn số 735/CĐ-BNN-TY gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch cúm gia cầm.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ngành và chính quyền các cấp tập trung hướng dẫn chủ chăn nuôi gia cầm tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, các biện pháp chủ động phòng dịch, tiêm phòng vắcxin cúm gia cầm cho đàn gia cầm.
Các địa phương chủ động giám sát, lấy mẫu xét nghiệm bệnh cúm gia cầm để kịp thời cảnh báo, áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh, sử dụng có hiệu quả các loại vắcxin phòng bệnh cúm gia cầm.
Các địa phương tổ chức tiêm vắcxin phòng bệnh cho đàn gia cầm, bảo đảm đạt tỷ lệ tối thiểu trên 80% tổng đàn có nguy cơ và thuộc đối tượng tiêm phòng.
Cùng với đó, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành chỉ đạo các lực lượng của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban 389 địa phương) tổ chức ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn quản lý, đặc biệt đối với các trường hợp vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm từ nước ngoài vào Việt Nam.
Các tỉnh, thành tổ chức Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường tại các vùng trọng điểm, vùng nguy cơ cao của tỉnh, thành phố để tiêu diệt các loại mầm bệnh. Thời gian thực hiện đồng loạt ngay từ đầu tháng 2.2020.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng giao Cục Thú y và các đơn vị thuộc cục tổ chức các đoàn đến các địa phương để kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc tổ chức thực hiện.
Cục Thú y chủ động phối hợp với các tổ chức quốc tế, các nước để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và giải pháp phòng, chống dịch bệnh; khẩn trương tổ chức giám sát, cảnh báo và kịp thời hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm.
Cùng đó, Cục Chăn nuôi và Trung tâm Khuyến nông quốc gia tổ chức thành lập các đoàn công tác đến các địa phương đôn đốc, hướng dẫn cụ thể các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh phòng dịch.
Theo thông tin của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) và của các nước, từ đầu tháng 1 đến nay, thế giới đã ghi nhận nhiều ổ dịch bệnh cúm gia cầm tại 11 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Ví dụ như chủng virus cúm gia cầm A/H5N1 tại Ấn Độ; A/H5N1 tại Trung Quốc... Riêng tại Trung Quốc, ngày 1.2, dịch được phát hiện tại một trang trại ở quận Song Thành, TP Thiệu Dương, tỉnh Hồ Nam; trang trại có 7.850 con gà và 4.500 con trong số này đã chết vì bị cúm gia cầm; giới chức địa phương đã tiêu hủy 17.828 con gia cầm sau khi dịch bùng phát.
Tại Việt Nam, theo báo cáo của các địa phương, năm 2019, dịch cúm gia cầm xảy ra tại 70 hộ chăn nuôi, 44 xã, 41 huyện thuộc 24 tỉnh, thành phố, buộc phải tiêu hủy trên 133.000 con gia cầm.
Từ đầu tháng 1 đến nay, cả nước có 1 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 chưa qua 30 ngày tại tỉnh Quảng Ninh.
Cơ quan chức năng cũng đã chủ động lấy mẫu giám sát tại 26 tỉnh, thành phố (tổng cộng 3.966 mẫu gộp của 19.830 con gia cầm đã được xét nghiệm). Kết quả, tỷ lệ dương tính với virus cúm A là 37,72%; trong đó có dương tính với virus cúm A/H5N1 là 1,19%; A/H5N6 là 1,82%.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, tổng đàn gia cầm rất lớn với 467 triệu con; điều kiện thời tiết thay đổi bất lợi; nhu cầu vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ phục vụ các lễ hội đầu năm tăng cao; việc tổ chức tiêm vắcxin cho đàn gia cầm đạt tỷ lệ thấp tại một số địa phương.
Do đó, nguy cơ dịch bệnh cúm gia cầm xuất hiện, lây lan rất cao và có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, đặc biệt trong điều kiện dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra đang diễn biến phức tạp.
Theo TTXVN