Đoàn Australia đánh giá cao chất lượng vải Thanh Hà và cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi để vải tươi Thanh Hà xuất khẩu vào thị trường này.
Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp, Nước và Môi trường Australia tham quang vùng sản xuất vải theo tiêu chuẩn GlobalGAP tại xã Thanh Quan và đánh giá cao chất lượng quả vải
Sáng 19.5, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN - PTNT) và đại diện lãnh đạo UBND huyện Thanh Hà tiếp đoàn của Bộ Nông nghiệp, Nước và Môi trường Australia đến tham quan vùng vải, cơ sở sơ chế, đóng gói và xuất khẩu vải tại huyện Thanh Hà. Đây là lần đầu tiên đoàn này đến thăm và làm việc tại tỉnh.
Các thành viên trong đoàn đến thăm cơ sở sơ chế, đóng gói vải xuất khẩu của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Rồng Đỏ
Sau khi thăm vùng trồng vải tại xã Thanh Quang và được nghe giới thiệu về kỹ thuật chăm sóc vải theo tiêu chuẩn GlobalGAP, ông Peter Creaser, Trợ lý Bộ trưởng Nông nghiệp, Nước và Môi trường Australia và ông Tony Harman, Tham tán Nông nghiệp, Đại sứ Australia tại Hà Nội đánh giá cao quy trình trồng và chất lượng vải Thanh Hà. Quả vải to, tròn và có vị ngọt thanh, chua nhẹ nên phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của người Australia. Đến thăm cơ sở sơ chế, đóng gói vải xuất khẩu của Công ty CP Ameii Việt Nam và Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Rồng Đỏ, đoàn công tác được giới thiệu và tìm hiểu quy trình xử lý vải khắt khe, nghiêm ngặt, bảo đảm chất lượng quả vải trước khi xuất khẩu vào thị trường các nước.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng quà là sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh cho các thành viên trong đoàn công tác
Kết thúc chuyến thăm, lãnh đạo Sở NN - PTNT đề nghị Bộ Nông nghiệp, Nước và Môi trường Australia xem xét, tiếp tục mở rộng thị trường cho quả vải Thanh Hà, đồng thời chấp thuận biện pháp xông hơi khí methyl bromid để xử lý sinh vật gây hại trên sản phẩm vải tươi khi vào thị trường Ausrtralia. Đoàn làm việc của Bộ Nông nghiệp, Nước và Môi trường Australia cũng cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sản phẩm vải đạt chất lượng cao của Thanh Hà vào thị trường Australia với số lượng nhiều hơn những năm trước.
Năm 2022, Sở NN - PTNT đã đề nghị Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN - PTNT) duy trì 119 mã số vùng trồng vải và 14 cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu. Trong đó thị trường Australia có 23 mã số vùng trồng với tổng diện tích 198,6 ha. Sở tiếp tục đề nghị Cục Bảo vệ thực vật cấp mới cho 37 vùng trồng với diện tích 490 ha vải để xuất khẩu vào thị trường Australia.
Xem clip
TRẦN HIỀN