Ngoài việc vận động người dân thường xuyên khử trùng môi trường chăn nuôi, tiêm vaccine phòng cúm cho đàn gia cầm, cần phát triển chăn nuôi theo hướng liên kết chuỗi và an toàn dịch bệnh.
Để chủ động phòng chống dịch bệnh, cần chuyển hướng phát triển chăn nuôi gia cầm từ nhỏ lẻ, phân tán sang tập trung với quy mô lớn
Từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận 10 ổ dịch cúm gia cầm (CGC) do chủng virus A (H5N6) gây ra, buộc phải tiêu hủy hơn 43.000 con gia cầm tại các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An và TP Hà Nội.
Tại Hải Dương, mặc dù chưa có ổ CGC nào nhưng nguy cơ xảy ra dịch rất cao. Hải Dương là một trong những địa phương có tổng đàn gia cầm lớn với khoảng 13 triệu con. Tập quán chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ vẫn phổ biến, việc áp dụng phương thức chăn nuôi an toàn gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra, Hải Dương còn có nhiều tuyến quốc lộ đi qua nên lượng phương tiện lưu thông, luân chuyển hàng hóa lớn, trong đó có nhiều gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm. Bên cạnh đó, mầm bệnh CGC vẫn tồn lưu trong môi trường, cùng với diễn biến thời tiết thất thường khiến dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào.
Theo Chi cục Thú y, trong giai đoạn từ năm 2014 - 2019 đã xảy ra 6 ổ dịch CGC làm ốm, chết, tiêu hủy 769 con gia cầm ở tỉnh ta. Kết quả giám sát sự lưu hành virus CGC năm 2018 và năm 2019 trên địa bàn tỉnh cũng phát hiện 1,12% số mẫu dương tính virus CGC H5N1, 4,16% số mẫu dương tính virus H5N6. Đặc biệt các chủng cúm nguy hiểm là A/H5 và A/H9 lưu hành rất cao (khoảng 25% số mẫu lấy tại các chợ và các địa phương).
Để chủ động phòng chống dịch CGC, ngoài việc vận động người dân thường xuyên khử trùng môi trường chăn nuôi, tiêm vaccine phòng cúm cho đàn gia cầm, cần phát triển chăn nuôi theo hướng liên kết chuỗi và an toàn dịch bệnh.
Ngành chăn nuôi từng bước thực hiện tái cơ cấu chăn nuôi và phát triển đàn gia cầm từ nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi tập trung với quy mô lớn. Người nuôi xây dựng những trang trại, gia trại xa khu dân cư với quy trình kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt.
Về lâu dài, các bộ, ngành, địa phương, chủ trang trại cần phối hợp phát triển giống gia cầm bản địa, sản phẩm đặc sản; thúc đẩy chăn nuôi an toàn sinh học và xây dựng những vùng sản xuất an toàn dịch bệnh. Các địa phương chủ động nguồn kinh phí để hỗ trợ cán bộ làm công tác chăn nuôi - thú y cũng như thực hiện các hoạt động giám sát bệnh CGC.
Bên cạnh đó, ngành chức năng cần thường xuyên phân vùng, giám sát, xử lý dịch bệnh; đẩy mạnh công tác truy xuất nguồn gốc gia cầm, kiểm soát tốt việc giết mổ, ấp nở và kiểm dịch tại các chợ buôn bán gia cầm sống.
Các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp xây dựng những chuỗi sản xuất sản phẩm chăn nuôi gia cầm đạt tiêu chuẩn an toàn dịch bệnh nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu.
NGUYÊN KHANG (Nam Sách)