Thật đáng mừng vì dịp Tết Trung thu hằng năm, nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương, gia đình đều quan tâm chăm lo cho trẻ em cả về vật chất và tinh thần.
Các em được nhận quà, xem biểu diễn múa lân sư rồng, đi chơi… nên rất vui. Vấn đề đặt ra là người lớn đã thực sự quan tâm chăm lo sức khỏe tinh thần (SKTT) cho trẻ em thường xuyên chưa, hay chỉ chú ý đến trong dịp Trung thu?
Năm 2018, Viện Nghiên cứu phát triển hải ngoại (ODI) và Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) công bố một báo cáo nghiên cứu về SKTT của trẻ em, thanh niên tại một số tỉnh, thành phố của Việt Nam. Theo kết quả nghiên cứu, từ 8-29% số trẻ em, vị thành niên ở Việt Nam mắc các vấn đề SKTT. Các loại hình vấn đề SKTT phổ biến nhất là hướng nội (lo âu, trầm cảm, đơn độc) và hướng ngoại (tăng động, giảm chú ý). Các vấn đề SKTT là phổ biến và đang gia tăng ở trẻ em.
Qua quan sát hằng ngày, mỗi người cũng có thể thấy kết quả nghiên cứu nêu trên khá sát thực tế. Trẻ em mắc các vấn đề SKTT có thể do nhiều nguyên nhân. Nhiều gia đình cho trẻ em sử dụng internet, ti vi từ sớm và thời gian quá nhiều, ảnh hưởng tiêu cực tới SKTT của trẻ. Trẻ em Việt Nam cũng chịu nhiều áp lực học tập hơn so với trẻ em nhiều nước khác. Các gia đình không hạnh phúc, thường xuyên xảy ra xung đột giữa bố mẹ và con cái làm ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý con trẻ. Một bộ phận nhỏ trẻ em đua đòi, sử dụng bia rượu, ma túy, thuốc lá, có hành vi bạo lực…
Các vấn đề SKTT của trẻ em chưa được xã hội và các gia đình quan tâm đúng mức. Dễ nhận thấy là khi vấn đề SKTT diễn biến nặng hoặc gây hậu quả thì lúc đó mới được chú ý giải quyết. Dịch vụ chăm sóc, điều trị bệnh tinh thần cho trẻ em ở các cơ sở y tế chưa phát triển. Không ít người còn kỳ thị với trẻ bị mắc bệnh tinh thần. Thậm chí, nhiều bậc phụ huynh cũng chưa nhận thức được con mình đang bị mắc bệnh, hoặc có biết song cho rằng chưa đến mức phải xử lý.
Khi mắc các bệnh tinh thần, sức chịu đựng của trẻ em kém hơn nhiều so với người lớn. Nếu không được quan tâm giải quyết, hậu quả sẽ rất khó lường. Bằng chứng là nhiều trẻ em ở tỉnh Điện Biên đã dùng lá ngón để tự tử. Những trẻ em phải chịu các bệnh tinh thần nhiều năm, gia đình tốn kém chi phí điều trị nhưng hiệu quả không như mong muốn. Trẻ em là tương lai của đất nước. Nếu quá nhiều trẻ em yếu đuối, mắc bệnh thì tương lai của đất nước không thể tươi sáng.
Chăm sóc, bảo vệ SKTT cho trẻ em là trách nhiệm của người lớn. Các cấp, các ngành cần tiếp tục ban hành, hoàn thiện các chính sách về chăm sóc, bảo vệ SKTT cho trẻ. Các cơ sở y tế cần tăng cường đầu tư nguồn lực đáp ứng yêu cầu chăm sóc SKTT cho trẻ. Tại các cơ sở giáo dục, công tác chăm sóc SKTT cho học sinh cần được đặt ngang hàng với chăm sóc sức khỏe thể chất. Ở mỗi gia đình, các bậc phụ huynh nên dành nhiều thời gian hơn để quan sát, lắng nghe, từ đó kịp thời phát hiện các triệu chứng của bệnh tinh thần để có biện pháp giải quyết. Mỗi gia đình hạnh phúc là nền tảng vững chắc để trẻ phòng ngừa trước các bệnh tinh thần. Chăm lo trẻ em không chỉ trong dịp Trung thu mà phải hằng ngày, hằng giờ.
TUẤN NGUYÊN(TP Hải Dương)