“Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”, trẻ em không chỉ cần chăm lo sức khỏe thể chất mà còn cần được sống trong môi trường thoải mái, ít áp lực, tránh những sang chấn tâm lý từ khi còn nhỏ.
Áp lực tinh thần
“Cháu từng là học sinh giỏi, chăm ngoan nhưng không ngờ lại bị áp lực dẫn đến trầm cảm phải nghỉ học dài ngày để điều trị… Tôi là người có lỗi khi chưa biết cách đồng cảm và chia sẻ với con”. Những lời này của chị P.T.H. có con gái học lớp 9 tại một trường THCS của huyện Gia Lộc khiến không ít cha mẹ đồng cảm. Chị H. cho biết con bị áp lực phải đứng đầu môn toán của lớp mới được vào đội tuyển thi học sinh giỏi của trường. Vì muốn bố mẹ tự hào nên em N.T.L. - con chị lúc nào cũng căng thẳng, có thời điểm không muốn đến trường. Mỗi ngày L. chỉ ngủ được vài tiếng và rất hay giật mình.
Lâu nay, nhiều cha mẹ chỉ quan tâm chăm lo cho con ăn ngon, ngủ đủ mà quên để ý đến đời sống tinh thần của trẻ.
Theo các bác sĩ của Bệnh viện Tâm thần Hải Dương, những năm gần đây bệnh viện tiếp nhận không ít trẻ em bị trầm cảm, rối loạn tinh thần như trường hợp của em L. Nhiều trẻ bị áp lực học hành, thi cử, có em bị bạn bè miệt thị ngoại hình, gia đình không êm ấm nên chán nản, căng thẳng, tinh thần không ổn định, luôn lo lắng, bất an.
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Hải Dương hiện có gần 492.000 trẻ em, trong đó có gần 4.000 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, trên 10.000 trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Những trẻ em đặc biệt này đa phần khó khăn, ít được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tinh thần. Nhiều em mồ côi cả cha và mẹ, sống với ông bà hoặc người thân nên thiếu thốn tình cảm.
Quan tâm nhiều hơn
Sức khỏe tinh thần được chăm sóc tốt có ý nghĩa quan trọng trong hành trình phát triển của trẻ. Tháng hành động vì trẻ em tỉnh Hải Dương năm nay có thông điệp “Chăm sóc sức khỏe tâm thần để trẻ em phát triển toàn diện”.
Mới đây, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam công bố báo cáo đánh giá sức khỏe tinh thần của trẻ em với những con số đáng lo ngại. 20% số trẻ vị thành niên của nước ta có vấn đề về sức khỏe tinh thần nhưng chỉ có hơn 8% số em được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ hoặc tư vấn tâm lý.
Nhiều trẻ em đang phải đối diện với những khó khăn về sức khỏe tinh thần nhưng lại thiếu những kỹ năng ứng phó. Ở nhiều gia đình, nhà trường và chính quyền địa phương vẫn chưa chú trọng tới việc chăm lo đời sống tinh thần cho trẻ khiến các em chịu nhiều thiệt thòi.
Em Nguyễn Thị V., học sinh Trường THCS Võ Thị Sáu (TP Hải Dương) từng rơi vào trầm cảm khi bị các bạn miệt thị ngoại hình. Em V. chia sẻ: “Khi bị các bạn chế giễu, em chán nản, bất an nhưng không biết tâm sự với ai. Về nhà em chia sẻ với mẹ nhưng vì bận việc nên mẹ cũng chỉ ậm ừ. Ở trường, em không dám nói với cô giáo vì nếu cô trách phạt, các bạn sẽ càng “tẩy chay” và ghét em hơn”.
Những căng thẳng này có thể giải tỏa nếu các em được tư vấn tâm lý đầy đủ và khoa học từ phía nhà trường, gia đình hay một tổ chức xã hội.
Công tác chăm sóc sức khỏe tinh thần, nhất là tư vấn tâm lý cho trẻ em tại Hải Dương nói riêng, cả nước nói chung hiện vẫn còn nhiều khoảng trống. Nhiều trường trong tỉnh chưa có nhân viên công tác xã hội, đảm nhận tư vấn tâm lý học đường. Việc này vẫn do giáo viên chủ nhiệm hoặc bộ môn kiêm nhiệm nên kỹ năng giải quyết những vấn đề liên quan đến tâm lý của trẻ chưa thành thục.
Theo Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Vũ Trí Quang, chăm sóc sức khỏe tinh thần cho trẻ em cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác trẻ em hiện nay. Trước những áp lực của cuộc sống hiện đại, trẻ em cần được quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe tinh thần.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch quốc gia phòng chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022-2025 nhằm tăng cường kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh. Tại Hải Dương, tháng 2 vừa qua, UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em, chăm sóc trẻ em mồ côi giai đoạn 2024-2030. Đây là cơ hội để khoảng trống trong chăm sóc sức khỏe tâm thần của trẻ em dần được lấp đầy. Theo kế hoạch, tỉnh đặt mục tiêu trên 80% số trẻ có vấn đề về sức khỏe tâm thần, trẻ có nguy cơ cao bị rối loạn tâm thần được tiếp cận với các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ tâm lý, các dịch vụ xã hội phù hợp tại trường học, cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở trợ giúp xã hội…
BẢO ANH