Chính phủ Kazakhstan ngày 5.1 buộc phải từ chức nhằm xoa dịu làn sóng bất ổn đang lan rộng tại nhiều thành phố lớn sau khi giá nhiên liệu bất ngờ tăng cao.
Kazakhstan giải tán Chính phủ và ban bố tình trạng khẩn cấp. Ảnh: AP
Tổng thống Kassym Jomart Tokaiev đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên khắp cả nước, đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ của quốc tế.
Sau gần 1 tuần bùng phát, căng thẳng tại Kazakhstan vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu. Đêm qua, gần 5 nghìn người đã tập trung tại Almaty, thành phố lớn nhất của Kazakhstan để phản đối tình trạng giá nhiên liệu và lạm phát tăng cao.
Căng thẳng bị đẩy lên cao trào sau khi một nhóm rất đông người tấn công và xông vào bên trong tòa nhà chính quyền thành phố. Theo Bộ Nội vụ Kazakhstan, quan chức chính quyền tại 3 thành phố đã bị người biểu tình tấn công. Nhiều tòa nhà bị phá hoại bằng gạch đá, bom xăng. Sắc lệnh tình trạng khẩn cấp đã được ban bố ở thủ đô Nursultan, thành phố Almaty và các khu vực khác.
Tổng thống Kassym Jomart Tokaiev ngày 5.1 cáo buộc các phần tử khủng bố được đào tạo ở nước ngoài đứng đằng sau và yêu cầu sự hỗ trợ của các quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO). Trước đó, nhà lãnh đạo Kazakhstan đã thông báo giải tán Chính phủ nhằm xoa dịu tình hình, đồng thời triển khai một loạt biện pháp bình ổn tình hình kinh tế xã hội, bao gồm ban hành quy định về giá nhiên liệu kéo dài trong 180 ngày, cấm tăng một số loại thuế và trợ cấp tiền thuê nhà cho một số đối tượng dễ bị tổn thương.
Theo Tổng thống Tokaiev, chính quyền sẽ làm mọi điều có thể để bảo vệ lợi ích của người dân: “Tôi một lần nữa yêu cầu tất cả người dân Kazakhstan thể hiện sự lý trí trước những hành động khiêu khích cả từ bên trong lẫn bên ngoài đất nước, cũng như không tham gia các hành động vô pháp luật. Những lời kêu gọi tấn công Chính phủ và các tòa nhà công quyền là hoàn toàn bất hợp pháp. Đây là một tội ác có thể bị trừng phạt. Chúng ta cần sự tin tưởng và đối thoại hơn là xung đột.”
Tình trạng bất ổn leo thang đã cho thấy những khó khăn về kinh tế mà Kazakhstan đang phải trải qua. Là nền kinh tế lớn nhất Trung Á, quốc gia giàu tài nguyên này từng đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong quá khứ, song giờ lại phải đối mặt với tình trạng giá dầu lao dốc và khủng hoảng kinh tế trầm trọng, khiến đồng nội tệ mất giá và lạm phát tăng cao.
Liên hợp quốc bày tỏ lo ngại về tình hình bất ổn leo thang tại Kazakhstan, đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế.
Ông Stéphane Dujarric, Người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh: “Liên hợp quốc đang theo dõi sát tình hình ở Kazakhstan. Điều rất quan trọng là tất cả các bên cần thể hiện sự kiềm chế và thúc đẩy đối thoại nhằm giải quyết mọi vấn đề.”
Chính phủ Nga hôm qua cũng kêu gọi khôi phục ổn định tại Kazakhstan, đồng thời khẳng định Nga ủng hộ một giải pháp hòa bình cho tất cả các vấn đề trong khuôn khổ luật pháp và Hiến pháp cũng như thông qua đối thoại, chứ không phải thông qua bạo loạn đường phố và vi phạm pháp luật. Bộ Ngoại giao Kyrgyztan cùng ngày cho rằng bạo lực đang diễn ra ở Kazakhstan không những không giải quyết được các vấn đề cấp bách của người dân mà còn khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Kyrgyztan sẵn sàng cung cấp “sự hỗ trợ toàn diện” cho Kazakhstan nếu cần thiết.
Theo VOV