Việc ứng xử sau ly hôn đòi hỏi sự văn minh, tình nghĩa để những đứa con vừa trải qua cú sốc không phải chịu thêm những thiệt thòi đáng buồn.
Trở thành bạn bè, cùng nuôi dạy con
Ly hôn là điều không ai mong muốn đối với cả người trong cuộc và những người xung quanh. Khi bắt buộc phải ly hôn để tìm lối thoát cho cả hai thì cách đối xử với nhau như thế nào, nuôi dạy con cái sao cho văn minh cũng là vấn đề đặt ra.
Theo chia sẻ của một số người đã ly hôn, điều đầu tiên sau ly hôn, người nuôi dưỡng trực tiếp cần ứng xử để con cảm thấy mặc dù bố mẹ chia tay nhưng các em không bị bỏ rơi, vẫn được chăm sóc đầy đủ. Với những người không sống trực tiếp với con cái, ngoài việc cấp dưỡng thì nên thường xuyên thăm nom, chia sẻ với con. Việc này giúp trẻ hiểu được rằng chia tay là việc của người lớn, còn sự chăm sóc, hỗ trợ của bố mẹ đối với con vẫn được bảo đảm.
Cách hành xử văn minh này đang được nhiều người hướng đến. Có nhiều trường hợp ly hôn rồi nhưng vẫn xem nhau là bạn bè thân thiết, vẫn cùng nhau đưa con đi ăn, cùng đến dự sự kiện ở trường của con để bù đắp cho con càng nhiều càng tốt. Nhiều cặp vợ chồng ly hôn lý giải do sống chung không hạnh phúc thì giải thoát cho nhau, nhưng con cái thì không có tội tình gì. Trước mặt con cái, họ vẫn nói tốt về nhau để con không ghét bỏ ai, không bị ảnh hưởng tâm lý. Thậm chí có những trường hợp sau khi ly hôn rồi, cả hai bên đã có gia đình mới rồi nhưng con chung vẫn được tham gia các hoạt động của cả hai bên gia đình, trở thành anh, chị của những đứa em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha. Đối với tâm lý người Việt nói chung thì sau khi ly hôn, con cái thường chọn ở với mẹ. Vì vậy cách ứng xử của người mẹ nói về người bố cũng rất quan trọng, tác động đối với tâm lý các con.
Hóa giải mâu thuẫn
Bà Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho rằng việc củng cố và xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc sẽ từng bước hạn chế tình trạng ly hôn có xu hướng gia tăng hiện nay. Cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục về hôn nhân và gia đình, xóa bỏ quan điểm lạc hậu, phát huy phong tục tốt đẹp về tình yêu, hôn nhân và gia đình. Vợ chồng cần có trách nhiệm duy trì, nuôi dưỡng, phát triển tình yêu của các thành viên trong gia đình. Thực hiện hiệu quả các phong trào “Xây dựng gia đình văn hóa”, “Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc, tiến bộ”. Đẩy mạnh vai trò của chính quyền địa phương, hội, đoàn thể để làm tốt công tác hòa giải từ cơ sở, giải quyết mâu thuẫn ngay khi mới phát sinh.
Bà Phạm Thị Phương, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Hải Dương cho biết nhằm giảm thiểu tình trạng ly hôn, các cấp hội đã tuyên truyền, phổ biến pháp luật tập trung vào Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Trẻ em, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình... với nhiều hình thức tuyên truyền miệng, đối thoại chính sách, hội thi, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội... "Chúng tôi tiếp tục duy trì 265 mô hình Xây dựng gia đình 5 có, 3 sạch, 134 mô hình an toàn cho phụ nữ và trẻ em tại 235 xã, phường, thị trấn... Qua đó hỗ trợ phụ nữ nhận thức đúng đắn vai trò, trách nhiệm trong xây dựng hạnh phúc gia đình. Thời gian tới, Hội sẽ phối hợp Sở Tư pháp, Tỉnh đoàn tổ chức diễn đàn tư vấn kiến thức hôn nhân và gia đình cho hội viên, thanh niên", bà Phương cho biết thêm.
Toàn tỉnh Hải Dương có 2.137 tổ hòa giải với hơn 14.000 hòa giải viên. Để hạn chế việc ly hôn cần phát huy hơn nữa vai trò của các tổ hòa giải trong chủ động nắm bắt, giải quyết mâu thuẫn vợ chồng ngay từ ban đầu, tránh tình trạng lúc nóng giận nộp đơn ra tòa. Các bạn trẻ tự trang bị kiến thức, vốn sống trong tổ chức gia đình trước khi kết hôn. Các cặp vợ chồng nên thấu hiểu vai trò, vị trí của bản thân trong việc xây dựng tổ ấm; biết yêu thương, tôn trọng lẫn nhau để gìn giữ, phát triển "tế bào xã hội". Đảng và Nhà nước luôn khẳng định, gia đình là một trong những nhân tố quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của đất nước. Vì vậy đầu tư cho gia đình cũng là đầu tư cho sự phát triển bền vững của đất nước.
THÀNH ĐẠT