Kết nghĩa với 5 tỉnh ở các nước, quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Hải Dương với các địa phương bạn này ngày càng thắm đượm và bền chặt.
Nhắc đến tỉnh Viêng Chăn (Lào), nhiều người nghĩ ngay đến một "người bạn" đã thân thiết từ lâu với tỉnh Hải Dương.
Những năm đầu kết nghĩa, điều kiện kinh tế của 2 tỉnh đều còn nhiều khó khăn nhưng đã giúp đỡ lẫn nhau trong một số lĩnh vực như khảo sát thiết kế nhà máy chế biến gỗ, chế biến đường, quy hoạch nông nghiệp, thuỷ lợi, tài chính, chia sẻ kinh nghiệm...
Từ năm 1990, xác định quan hệ hợp tác có nhiều tiềm năng nhưng chưa được khai thác hợp lý, lãnh đạo 2 tỉnh Hải Dương, Viêng Chăn thống nhất điều chỉnh cơ chế hợp tác.
Từ đó, Xí nghiệp Dịch vụ phát triển nông nghiệp Viêng Chăn - Hải Dương (sau đó là Trung tâm Liên doanh Hải Dương - Viêng Chăn) ra đời với nhiệm vụ ban đầu là sản xuất giống gia súc, cây trồng góp phần phát triển nông nghiệp ở tỉnh Viêng Chăn.
Để có cầu nối cho sự hợp tác toàn diện giữa 2 tỉnh, Trung tâm Hợp tác Hải Dương - Viêng Chăn thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại mỗi tỉnh được thành lập, thay cho trung tâm liên doanh (nay sáp nhập vào Trung tâm Hợp tác hữu nghị trực thuộc Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị tỉnh Hải Dương và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Viêng Chăn).
Tỉnh Hải Dương đã cử các cán bộ nông nghiệp sang hỗ trợ tỉnh bạn cải tạo hệ thống thuỷ lợi, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, dành tặng Viêng Chăn giống bò, lợn, cây trồng...
Nhiều công trình quan trọng của tỉnh Viêng Chăn hiện nay cũng mang dấu ấn sự đóng góp, giúp đỡ của tỉnh Hải Dương. Hải Dương đã hỗ trợ hơn 8 tỷ đồng xây dựng Nhà khách Tỉnh ủy Viêng Chăn, 6 tỷ đồng xây dựng Trường Mầm non tại trung tâm tỉnh...
Tỉnh Hải Dương cũng hỗ trợ tỉnh Viêng Chăn trong lĩnh vực đào tạo từ rất sớm, cấp học bổng cho học sinh Viêng Chăn, đào tạo tiếng Việt cho cán bộ tỉnh Viêng Chăn.
Gần đây nhất, HĐND tỉnh Hải Dương thông qua nghị quyết hỗ trợ học bổng cho 15 học sinh Viêng Chăn sang học tập tại tỉnh.
Tại Trường Đại học Hải Dương, 15 sinh viên Lào đang học nói, học viết những chữ tiếng Việt đầu tiên. Các sinh viên sang đây có tên mới như Tùng, Cúc, Trúc, Mai, Sen, Hồng...
Em Southammavong Palisa (sinh năm 2007) ở huyện Viêng Kham, tỉnh Viêng Chăn là một trong những sinh viên nói được tiếng Việt giỏi nhất trong lớp. Mới sang tỉnh Hải Dương từ ngày 19/12/2024, Palisa rất phấn khởi, háo hức.
Trước đó, các lứa sinh viên của tỉnh Viêng Chăn sau khi tốt nghiệp các trường tại Hải Dương đã quay về phục vụ quê hương. Các vận động viên sau đào tạo, tập huấn tại Hải Dương về thi đấu có thành tích cao, nhất là môn điền kinh đã được nâng lên đáng kể so với trước đây và đi tham gia các giải đấu trong nước, quốc tế.
Cùng với hợp tác để phát triển kinh tế, Hải Dương chú trọng quan hệ giao lưu với các tỉnh ngoài nước về văn hoá.
20 năm trước, lãnh đạo tỉnh Hải Dương và lãnh đạo TP Suwon (Hàn Quốc) đặt bút ký kết văn bản hợp tác, chính thức thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị Hải Dương - Suwon.
Với phương châm tôn trọng bản sắc văn hoá, xã hội và truyền thống của mỗi địa phương, Hải Dương và Suwon đã cùng nhau triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau như hành chính công, văn hoá, du lịch, giáo dục, thể thao.
Nhiều lần, đoàn đại biểu cấp cao TP Suwon sang dự Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc. Khi TP Suwon tổ chức Lễ hội văn hoá Hwaseong, đoàn đại biểu tỉnh Hải Dương cũng sang dự.
Tại các chuyến thăm, hai bên đã trao đổi tình hình kinh tế - xã hội, giới thiệu các tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tìm hiểu truyền thống văn hoá, kinh nghiệm về tổ chức lễ hội, tổ chức sự kiện và bảo tồn di sản, củng cố và tăng cường hữu nghị giữa hai địa phương.
Theo đề nghị của TP Suwon, tỉnh Hải Dương cũng nhiều năm cử các đoàn nghệ thuật và đầu bếp sang tham dự, biểu diễn tại Lễ hội văn hóa Hwaseong, giới thiệu về nghệ thuật dân gian truyền thống cũng như các món ăn đặc sắc của tỉnh Hải Dương và của Việt Nam.
Năm 2018, TP Suwon cử đoàn nghệ thuật tiêu biểu sang dự và biểu diễn, góp phần vào sự thành công của Lễ hội Carnaval quy mô lớn do tỉnh Hải Dương tổ chức.
Cũng có thời gian kết nghĩa gần 20 năm, năm 2006, tỉnh Hải Dương và tỉnh Seine-Saint-Denis (Pháp) chính thức thiết lập mối quan hệ hợp tác hữu nghị thông qua việc ký thỏa thuận hợp tác.
Về văn hóa, hai tỉnh đã cử đoàn nghệ nhân múa rối để tìm hiểu, trao đổi chuyên môn nghệ thuật múa rối nước của Việt Nam và nghệ thuật múa rối của Pháp.
Seine-Saint-Denis cũng đã hỗ trợ Hải Dương rất nhiều trong lĩnh vực y tế, môi trường với Dự án Xây dựng hệ thống thoát nước thải thí điểm và lắp đặt thùng đựng rác tại khu dân cư số 12, phường Nguyễn Trãi (TP Hải Dương); Dự án Xử lý nước thải chung của Bệnh viện Lao và Bệnh phổi và Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS; Dự án AVEC (Hành động trong lĩnh vực nước tại Việt Nam - Chia sẻ kinh nghiệm và Nâng cao năng lực do tỉnh Seine-Saint-Denis và các địa phương khác của Pháp tài trợ kinh phí...
Một số cán bộ quản lý và cán bộ kỹ thuật làm việc trong ngành cấp nước sạch và quản lý các công trình đô thị và môi trường đô thị của tỉnh Hải Dương đã được tham gia miễn phí các khoá đào tạo nhân lực trong lĩnh vực nước sạch và xử lý nước thải tại Hà Nội.
Năm 2008, Bệnh viện Gô be Ba-lăng-giê ở Seine-Saint-Denis đã ký văn bản hợp tác với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương nhằm trao đổi về công tác chăm sóc và điều trị người bệnh và nâng tầm nhận thức về công tác chăm sóc sức khỏe cho người bệnh.
Cùng với những mối quan hệ hợp tác, hữu nghị truyền thống, tỉnh Hải Dương đã và đang phát triển mối quan hệ với nhiều tỉnh ở các nước trên thế giới.
Năm 2019, tỉnh Hải Dương và tỉnh Kagoshima (Nhật Bản) ký bản ghi nhớ hợp tác. Từ sau khi bản ghi nhớ được ký, nhiều hoạt động hợp tác giữa hai tỉnh đã được tổ chức.
Bánh đậu xanh Hoàng Gia (TP Hải Dương), gốm Chu Đậu (Nam Sách), tranh thêu Xuân Nẻo (Tứ Kỳ), vải thiều Thanh Hà, trà sen Kiếp Bạc (Chí Linh) và nhiều đặc sản nổi tiếng của Hải Dương đã lên đường xuất ngoại và có mặt ở hội chợ tại tỉnh Kagoshima.
Đáng chú ý là sự hợp tác giữa Hải Dương - Kagoshima về nguồn nhân lực. Tỉnh Kagoshima đã cử các đoàn cán bộ sang làm việc với cơ quan chuyên môn của tỉnh Hải Dương để trao đổi, tìm phương hướng, biện pháp thúc đẩy việc tiếp nhận nguồn nhân lực từ tỉnh Hải Dương sang tỉnh Kagoshima.
Hai bên đã thảo luận về việc cử, tiếp nhận nhân lực từ tỉnh Hải Dương sang tỉnh Kagoshima làm việc và các nội dung liên quan đến thực tập sinh, điều dưỡng (hỗ trợ học phí, tiền nhà ở cho các du học sinh học tiếng Nhật, thi lấy chứng chỉ quốc gia về hộ lý và sau đó làm việc tại các cơ sở phúc lợi của tỉnh Kagoshima). Hai tỉnh cũng đã bàn và thống nhất một số nội dung dự kiến sẽ tiếp tục triển khai trong giai đoạn tới.
Ngày 6/11/2024, tại Trung tâm Văn hoá Xứ Đông (TP Hải Dương) đã diễn ra lễ ký bản ghi nhớ tăng cường hợp tác, giao lưu hữu nghị giữa UBND tỉnh Hải Dương với chính quyền TP Phật Sơn (Trung Quốc).
Với mong muốn thiết lập và phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị giữa tỉnh Hải Dương với TP Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) góp phần tăng cường tình hữu nghị và sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai địa phương của 2 nước, hai bên đã thảo luận về việc triển khai hợp tác, giao lưu hữu nghị giữa hai địa phương và ký bản ghi nhớ.
Hai bên nhất trí thực hiện nhiều hình thức trao đổi và hợp tác về kinh tế, thương mại, khoa học và công nghệ, giáo dục, văn hóa, thể thao, du lịch, nông nghiệp và các lĩnh vực khác nhằm thúc đẩy sự thịnh vượng và phát triển chung.
Đây là tiền đề để mối quan hệ Hải Dương - Phật Sơn ngày càng phát triển trong tương lai.
Việc tăng cường thiết lập, mở rộng mối quan hệ kết nghĩa giữa Hải Dương với các tỉnh, thành phố trên thế giới không chỉ giúp tăng cường giao lưu văn hóa, thúc đẩy hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau, mà còn phục vụ phát triển, là cầu nối hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, du lịch, giáo dục, đầu tư; vận động đoàn kết quốc tế, góp phần bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc.
Việc xây dựng các mối quan hệ hợp tác quốc tế của Hải Dương với các địa phương trên thế giới vẫn đang tiếp tục được mở rộng.
Thực hiện: PHONG TUYẾT
Trình bày: TUẤN ANH
(Bài viết có sử dụng hình ảnh của đồng nghiệp và hình ảnh tư liệu)