Thị trấn Kẻ Sặt (Bình Giang) hiện chỉ còn 5 cơ sở duy trì sản xuất bánh đa gấc. Bánh được làm từ bột gạo tẻ, gấc, đường và một số sản phẩm nông nghiệp khác, tạo nên đặc trưng của món quà quê xứ Đông.
Thời điểm này, các cơ sở sản xuất bánh đa gấc ở khu Trung, khu Thượng thị trấn Kẻ Sặt (Bình Giang) đang hối hả vào mùa làm bánh chuẩn bị phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Từ 2-3 giờ sáng, người làm bánh đa gấc đã thức dậy để xay bột và chuẩn bị làm những mẻ bánh đầu tiên
Họ chọn những quả gấc Diễn, chín đỏ tươi, nhiều thịt và tinh dầu
Rồi đem bột (gạo xay) trộn với màng gấc cùng vừng, dừa, lạc, gừng, nước cốt dừa tạo nên vị bùi, béo ngậy
Khi tráng bánh, cần khéo léo sao cho bánh vừa chín tới. Nếu bánh chưa chín, khi đưa ra phơi sẽ dễ bị nứt, vỡ
Bánh đa gấc ngon nhất phải được phơi khô từ 2 - 3 nắng
Khi nướng bánh phải lật nhanh tay, khéo léo để bánh không bị cháy, giòn tan
Bánh sau khi nướng xong được cắt thành khoanh, bảo quản bằng túi nilon, thời gian bảo quản trong 1 tháng. Giá mỗi túi bánh từ 35.000 đến 70.000 đồng
Chuẩn bị cho thị trường Tết, cơ sở bánh đa gấc Ngọc Khánh ở khu Thượng, thị trấn Kẻ Sặt mỗi ngày sản xuất từ 600 đến 700 chiếc; mỗi người thu nhập ổn định từ 8 đến 10 triệu đồng/tháng
Hiện bánh đa gấc sản xuất đến đâu, bán hết đến đó. Thị trường chủ yếu trong tỉnh, ngoài ra còn bán ở các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và đem đi làm quà ở nước ngoài
THÀNH CHUNG