Báo cáo của Sở Giao thông vận tải Hải Dương cho biết trong giai đoạn 2016-2022, toàn tỉnh xảy ra 1.543 vụ tai nạn giao thông, làm 1.201 người chết, 802 người bị thương.
Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nguyễn Thị Việt Nga tiếp thu những kiến nghị, đề xuất của Sở Giao thông vận tải Hải Dương
Sáng 10.5, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương giám sát tại Sở Giao thông vận tải về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật giao thông đường bộ giai đoạn 2016-2022.
Theo báo cáo, giai đoạn 2016-2022, toàn tỉnh Hải Dương xảy ra 1.543 vụ tai nạn giao thông, làm chết 1.201 người, bị thương 802 người, giảm 22,1% số vụ, 10,8% số người chết, 20,8% số người bị thương so với giai đoạn 2009-2015. Riêng năm 2022, số vụ tai nạn giao thông giảm 41,4%, số người chết giảm 34,2%, số người bị thương giảm 55% so với năm 2016 và là năm có các tiêu chí về tai nạn giao thông thấp nhất trong hơn 20 năm trở lại đây.
Tỉnh Hải Dương hiện có 7 tuyến quốc lộ, đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng chạy qua và hiện còn một số bất cập. Lưu lượng xe đi lại trên quốc lộ 5 hiện rất lớn, gấp từ 4 - 5 lần so với lưu lượng thiết kế và dự kiến còn tăng trong thời gian tới. Ngoài phương tiện cá nhân, các xe chở container, xe 4 trục trở lên tham gia giao thông nhiều gây tình trạng ùn tắc kéo dài, ùn tắc cục bộ, nhất là đoạn từ ngã ba Quý Dương (Cẩm Giàng) đến ngã ba vào cầu An Thái (Kim Thành). Hầu hết các đoạn tuyến trên quốc lộ 5 được tổ chức giao thông theo hình thức hỗn hợp nên thường xuyên xảy ra va chạm, tai nạn giao thông, gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương kiến nghị Trung ương quan tâm phát triển giao thông vận tải đường sắt, đường thủy
Sở Giao thông vận tải đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh kiến nghị Trung ương có giải pháp phát triển, nâng cao năng lực, thị phần vận tải lĩnh vực giao thông vận tải đường sắt, đường thủy nội địa để giảm tải đường bộ. Ví dụ như xây dựng đường sắt tốc độ cao tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng, xây dựng các cảng nội thủy địa có thể tiếp nhận được tàu chở container để phát huy năng lực vận tải đường thủy nội địa từ cảng Hải Phòng qua Hải Dương đi các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hà Nội, Thái Nguyên, Phú Thọ... Trước mắt cần cạp mở rộng 23 đoạn tuyến còn quỹ đất với chiều dài 16,6 km để phục vụ tốt cho việc phân luồng phương tiện giao thông; xây dựng, bổ sung cầu vượt dân sinh... Nhiều nội dung đã được tỉnh kiến nghị với Trung ương nhưng chưa được giải quyết.
Phát biểu kết thúc buổi giám sát, đồng chí Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga đồng tình và tiếp thu những kiến nghị của Sở Giao thông vận tải. Đồng chí nhấn mạnh đây cũng là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm khi cơ cấu đầu tư cho giao thông đang có sự chênh lệch lớn giữa đường bộ với đường sắt và đường thủy, trong khi 2 loại hình này có nhiều tiềm năng phát triển, có thể giảm tải cho đường bộ nếu được phát huy tốt.
PHONG TUYẾT