Giáo dục

Cơ hội mới với trường tư thục ở Hải Dương

PHONG TUYẾT 29/10/2023 13:00

Sau nhiều năm mong mỏi, có nhà đầu tư đã mừng rơi nước mắt khi nhìn thấy quyết định của UBND tỉnh Hải Dương về chế độ ưu đãi đất đai với dự án xã hội hóa giáo dục.

00:00

z4811952212952_ee8569e69630dec48384dd98d39cf2d6(1).jpg
Trường Mầm non Fairy (Chí Linh) thiếu không gian sân chơi ngoài trời vì diện tích đất hạn chế

Ưu đãi mức tối đa

Từ ngày 20/8, Quy định chế độ ưu đãi về đất đai đối với các dự án đầu tư xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao và môi trường tại khu vực đô thị trên địa bàn tỉnh có hiệu lực đã mở ra cơ hội mới với trường tư thục ở Hải Dương.

Theo ông Nguyễn Trọng Tiến, Phó Cục trưởng Cục thuế tỉnh Hải Dương, đây là chính sách ưu đãi cần thiết, kịp thời với mức ưu đãi đáng kể dành cho các nhà đầu tư. Theo quy định, UBND cấp tỉnh căn cứ điều kiện thực tế của địa phương quy định chế độ miễn, giảm tiền thuê đất theo từng khu vực, lĩnh vực. Mức tối đa là miễn tiền thuê đất cho toàn bộ thời gian của dự án, mức tối thiểu bằng mức ưu đãi theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về đầu tư. Qua rà soát thực trạng, UBND tỉnh Hải Dương đã quyết định miễn tiền thuê đất theo mức tối đa.

“Chính sách ưu đãi này dựa trên cơ sở phù hợp với quy định của Nhà nước và điều kiện thực tế của tỉnh, sẽ góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư xã hội hóa. Đồng thời hoàn thiện hành lang pháp lý để cơ quan thuế thực hiện miễn tiền thuê đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án xã hội hóa tại khu vực đô thị trên địa bàn tỉnh”, ông Nguyễn Trọng Tiến cho biết.

z4811952312925_bd96e700e02c55736834277c2f37d905(1).jpg
Cán bộ Phòng Quản lý hộ kinh doanh, cá nhân và thu khác (Cục Thuế tỉnh Hải Dương) nghiên cứu thực hiện miễn tiền thuê đất cho các dự án xã hội hóa giáo dục theo quy định của UBND tỉnh

Hiện nay, Hải Dương có 63 trường tư thục với 22.037 học sinh, chiếm khoảng 4,6% số học sinh mầm non, phổ thông toàn tỉnh, trong đó nhiều nhất ở cấp mầm non (46 trường).

Theo báo cáo sau giám sát một số trường tư thục của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh và đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương, cơ sở vật chất hệ thống giáo dục, dạy nghề từ tỉnh xuống cơ sở còn nhiều khó khăn, chưa đáp ứng nhu cầu. Một số trường THPT tư thục chưa có đầy đủ các phòng bộ môn, phòng hỗ trợ học tập theo quy định. Có trường phải đi thuê trụ sở, diện tích chật hẹp như Trường THPT Chu Văn An (TP Hải Dương), Trường THPT Vũ Ngọc Phan (Bình Giang). Một số trường khác thiếu sân chơi ngoài trời, chưa bảo đảm an toàn giao thông, vệ sinh thực phẩm, phòng cháy, chữa cháy, an toàn trường học... Hầu hết ở các cấp học chưa có trường đạt chuẩn quốc gia. Trong khi đó, trang thiết bị cơ bản còn thiếu so với yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018...

Chính sách ưu đãi của tỉnh sẽ tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư đồng thời mở ra cơ hội cho các trường tư thục.

Nhà đầu tư kỳ vọng

z4811951955194_376866d7cb261f01e55e72c2843c5661(1).jpg
Hầu hết các cấp học ở Hải Dương chưa có trường tư thục đạt chuẩn quốc gia. Trong ảnh: Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Hải Dương giám sát tại Trường THPT Lương Thế Vinh (TP Hải Dương)

Trường Mầm non và Tiểu học Sao Mai (TP Hải Dương) là trường hợp đầu tiên được miễn tiền thuê đất theo quy định của UBND tỉnh. Trường này được miễn tiền thuê đất trong 50 năm với diện tích gần 6.000 m2, tổng số tiền được miễn gần 27 tỷ đồng.

Bà Phạm Thị Tuyết, Hiệu trưởng Trường Mầm non và Tiểu học Sao Mai chia sẻ đã mừng rơi nước mắt khi nhìn thấy quyết định của UBND tỉnh về ưu đãi đất đai cho giáo dục. "Sau nhiều năm mong mỏi, cuối cùng tỉnh đã ban hành chính sách ưu đãi về đất đai cho giáo dục, mở ra cơ hội cho trường tư thục làm chúng tôi rất cảm kích", bà Tuyết chia sẻ tại buổi giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh.

Chủ đầu tư Trường Mầm non Hoa Thủy Tiên cơ sở ở huyện Cẩm Giàng cũng mong muốn đầu tư thêm một trường tư thục nữa từ lâu nhưng chưa tìm được mặt bằng. Đại diện trường Mầm non Hoa Thủy Tiên cho biết việc đầu tư trường học không cần nhà cao tầng ở mặt đường lớn mà cần diện tích đất nhiều, không gian rộng rãi. Do đó, dù có vốn nhưng nhà đầu tư vẫn gặp khó vì tìm mặt bằng. Nay tỉnh có quyết định ưu đãi này sẽ mở ra cơ hội cho nhà đầu tư.

Thực hiện quyết định của UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương đang chủ trì tham mưu UBND tỉnh phê duyệt, công bố danh mục các dự án đầu tư xã hội hóa phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh ở từng thời kỳ để thu hút, kêu gọi đầu tư. Đồng thời cùng với các sở, ngành và địa phương thẩm định, tổng hợp trình UBND tỉnh quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư xã hội hóa ngoài khu công nghiệp. Ngày 18/10, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có tờ trình đề nghị tỉnh tạm dừng, hạn chế thu hút đầu tư nhiều dự án dệt nhuộm, sản xuất da, khoáng sản, bến bãi... và thu hút đầu tư 46 dự án xã hội hóa (trong đó 7 dự án thuộc lĩnh vực giáo dục).

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương, giai đoạn 2021-2025 có 6/12 huyện đã bố trí quỹ đất mới để thu hút thêm nhà đầu tư thành lập trường THPT tư thục, giảm tải cho các trường công lập và đáp ứng nhu cầu khi học sinh THPT tăng cao. Trong 4 địa phương chưa có trường THPT tư thục là TP Chí Linh và các huyện Thanh Hà, Gia Lộc, Cẩm Giàng thì chỉ còn Gia Lộc, Thanh Hà chưa bố trí đất cho giáo dục.

Theo quyết định của UBND tỉnh Hải Dương, nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xã hội hóa tại khu vực đô thị trên địa bàn tỉnh Hải Dương được UBND tỉnh cho thuê đất đã hoàn thành giải phóng mặt bằng và được miễn tiền thuê đất cho toàn bộ thời gian thuê theo thời hạn hoạt động của dự án được UBND tỉnh chấp thuận. Trường hợp dự án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép gia hạn thời gian thuê đất thì không được hưởng ưu đãi về đất đai theo quy định này đối với thời gian thuê đất được gia hạn. Trường hợp ngân sách tỉnh không có khả năng cân đối để thực hiện bàn giao mặt bằng sạch thì nhà đầu tư ứng trước kinh phí, việc xử lý tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện theo quy định.

PHONG TUYẾT
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cơ hội mới với trường tư thục ở Hải Dương