Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã chỉ ra rằng trong triển khai nghị quyết cần gắn trách nhiệm cụ thể cho từng cấp ủy viên theo hướng "4 rõ" (rõ việc, rõ người, rõ thời gian hoàn thành, rõ hiệu quả).
Trong bài diễn văn bế mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứXVII nhiệm kỳ 2020-2025, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng nhấn mạnh: “Để triển khai Nghị quyết có hiệu quả, mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương cần phải xác định nhiệm vụ trọng tâm, công việc và giải pháp đột phá; xác định rõ nguồn lực đầu tư, tránh dàn trải; gắn với phân công trách nhiệm cụ thể cho từng cấp ủy viên theo hướng rõ việc, rõ người, rõ thời gian hoàn thành, rõ hiệu quả; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc, đánh giá kết quả triển khai thực hiện”.
Tôi rất đồng tình với quan điểm chỉ đạo cụ thể, hợp lý và có nét mới này của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng. Đồng chí đã chỉ ra rằng trong triển khai nghị quyết cần gắn trách nhiệm cụ thể cho từng cấp ủy viên theo hướng "4 rõ" (rõ việc, rõ người, rõ thời gian hoàn thành, rõ hiệu quả).
Nhiều nhiệm kỳ trước, trong triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nói riêng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nói chung, không ít cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng đề án, kế hoạch thực hiện thiếu cụ thể. Điều đó thể hiện ở những mục tiêu, giải pháp thực hiện còn chung chung, không rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân thực hiện, gây khó khăn cho quá trình triển khai. Đến lúc đánh giá, tổng kết kế hoạch, đề án thì cũng không rõ hiệu quả. Những mục tiêu không đạt được cũng không rõ trách nhiệm thuộc về tổ chức, cá nhân nào.
Tình trạng không rõ thời gian hoàn thành cũng đáng lo. Thời gian để hoàn thành xây dựng và thực hiện nhiều chương trình hành động, đề án, kế hoạch thường bị chậm, không đúng yêu cầu đề ra. Nguyên nhân do ở các nhiệm kỳ trước, sau Đại hội, cấp ủy các cấp phải mất thời gian để xây dựng chương trình hành động thực hiện nghị quyết, sau đó cụ thể hóa chương trình hành động thành đề án, kế hoạch. Trình bày tham luận tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, đồng chí Nguyễn Kim Diện, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Kim Thành cũng chỉ ra hạn chế là trước đây sau Đại hội, cấp ủy khóa mới xây dựng chương trình hành động và các đề án thực hiện thường mất thời gian khoảng 1 năm hoặc dài hơn. Do vậy, tuy là chương trình, đề án thực hiện trong cả nhiệm kỳ 5 năm nhưng thực tế thời gian thực hiện chỉ hơn 3 năm vì đầu năm cuối nhiệm kỳ đã phải tổng kết các chương trình, đề án.
Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 có nét mới là dự thảo chương trình hành động thực hiện nghị quyết được xây dựng trước và đưa ra thảo luận tại Đại hội, giúp rút ngắn thời gian so với trước. Đây cũng là cơ sở để sớm ban hành các đề án, kế hoạch thực hiện chương trình hành động trong nhiệm kỳ 2020-2025.
Tôi thấy tư tưởng chỉ đạo “rõ hiệu quả” là nét mới đáng chú ý. Tính hiệu quả là thước đo quan trọng nhất, là cái đích trong thực hiện nghị quyết. Rõ người, rõ việc, rõ thời gian hoàn thành cũng là để đạt được mục đích rõ hiệu quả. Tính hiệu quả cũng cần phải cụ thể, như hiệu quả trong kinh tế thế nào, với xã hội ra sao, hiệu quả môi trường… Hiệu quả cần được đo đếm bằng các tiêu chí, số liệu, định mức cụ thể, tránh chung chung.
"4 rõ" đều gắn với trách nhiệm của từng đồng chí cấp ủy viên. Trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt nghị quyết. Nếu triển khai nghị quyết chậm, không đạt được “4 rõ” thì phải chịu trách nhiệm trước cấp ủy, đảng bộ và nhân dân. Người làm tốt “4 rõ” cần được biểu dương và ngược lại người thực hiện chưa tốt cần nhắc nhở, phê bình, thậm chí xem xét xử lý kỷ luật.
NINH TUÂN