Mỗi bài viết trong cuốn sách đã gợi mở để các cấp, ngành... quán triệt nhằm phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững.
Với hơn 500 trang, cuốn sách "Cả nước đồng lòng, tranh thủ mọi thời cơ, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng" chọn lọc 38 bài viết, bài phát biểu tiêu biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện định hướng quan trọng trong chỉ đạo chiến lược và toàn diện của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị nhằm triển khai và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị của đất nước nói chung cũng như của các lĩnh vực, các địa phương nói riêng.
Mỗi bài viết trong cuốn sách đã gợi mở để các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị quán triệt nhằm phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, huy động mọi nguồn lực, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững.
Ông Trần Hải Quân, Tổ dân phố 11, phường Mỹ Đình 1 (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng, các bài viết trong cuốn sách là những bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng tại các Hội nghị Trung ương, hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh đối với các vùng kinh tế - xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Các bài viết, bài phát biểu trong cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ ra một số khó khăn, thách thức của từng cấp, từng ngành và cả địa phương cần nỗ lực vượt qua. Những cơ hội phải nhanh chóng nắm bắt để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định.
Qua tìm hiểu và đọc cuốn sách, ông Trần Hải Quân tâm đắc nhất nội dung các bài viết về lĩnh vực an ninh- quốc phòng bởi những chỉ đạo của Tổng Bí thư trong mỗi bài viết đều cho thấy sự ổn định và phát triển bền vững mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội là nền tảng vững chắc của quốc phòng - an ninh.
Đặc biệt, trong quá trình xây dựng tiềm lực, sức mạnh quốc phòng - an ninh phải lấy mục tiêu yêu cầu phát triển kinh tế là mục đích và tạo môi trường thuận lợi cho kinh tế - xã hội phát triển.
Bài viết góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp của quốc gia, mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế, kỹ thuật với các nước, tạo sự chuyển biến căn bản cơ cấu nền kinh tế quốc dân, đáp ứng được nhu cầu cải thiện đời sống nhân dân, có tích lũy để phát triển, bảo đảm quốc phòng thường xuyên vững chắc, sẵn sàng và đủ sức đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá xâm lược của các thế lực thù địch.
Theo ông Trần Hải Quân, điểm nhấn của bài viết chỉ rõ mỗi vùng kinh tế trọng điểm thường nằm trong các khu vực phòng thủ và phòng thủ then chốt của đất nước, nơi có nhiều đối tượng, mục tiêu quan trọng phải bảo vệ.
Đồng thời, vùng kinh tế trọng điểm cũng đã và đang là địa bàn trọng điểm để địch thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ với nước ta.
Vì vậy, Tổng Bí thư cho rằng phải thực hiện thật tốt phát triển kinh tế gắn với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh trên các vùng này.
Ấn tượng với bài viết “Tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công cuộc đổi mới tranh thủ mọi thời cơ, thuận lợi: vượt qua mọi khó khăn, thách thức; quyết tâm thực hiện thắng lợi toàn diện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”, ông Nguyễn Đình Sản, Bí thư Chi bộ 2, phường Ngọc Hà (quận Ba Đình, Hà Nội) cho rằng, bài viết đã chỉ rõ, nhìn lại nửa đầu nhiệm kỳ khóa XIII, về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và khối đại đoàn kết toàn dân tộc: Việt Nam đã tổ chức rất thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trong điều kiện đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và rất nghiêm trọng, bảo đảm dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm, thực sự là ngày hội của toàn dân.
Đặc biệt là, các hội nghị toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Quốc hội, Chính phủ khóa XV và của các khối như: Nội chính, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, quốc phòng, an ninh, đối ngoại... được tổ chức rất bài bản và thành công ngay từ đầu nhiệm kỳ đã sớm định hướng rõ ràng, đúng đắn cho việc tiếp tục đổi mới, xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Như Tổng Bí thư đã chỉ rõ, để quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, chính quyền các cấp cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính phủ, chính quyền điện tử; quyết liệt chỉ đạo, hệ thống các cơ quan tư pháp tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả các hoạt động tư pháp, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thúc đẩy hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội góp phần quan trọng tăng cường sự đồng thuận xã hội và phát huy sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân tộc.
Theo TTXVN