Hải Dương đã có nhiều giải pháp quyết liệt, cụ thể nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả, chất lượng đánh giá cán bộ.
Thực hiện“5 rõ” giúp Sở Giao thông vận tải nhiều năm liên tiếp dẫn đầu khối sở, ban, ngành trong bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính. Trong ảnh: Công chức Sở Giao thông vận tải hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính ở Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh
Chuyển biến từ việc đột phá
Đề án số 02-ĐA/TU về xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín đáp ứng yêu cầu phát triển, giai đoạn 2021-2030 là đề án quan trọng của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương trong nhiệm kỳ 2020-2025.
Thực hiện Đề án 02-ĐA/TU đã tạo chuyển biến trong công tác cán bộ, trong đó có đánh giá cán bộ. Điểm mới trong nửa nhiệm kỳ 2020-2025 là Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng, triển khai, phê duyệt kế hoạch đăng ký thực hiện công việc đổi mới, đột phá, sáng tạo đối với các địa phương, cơ quan, đơn vị, cán bộ quản lý, nhất là người đứng đầu các cấp, gắn kết quả thực hiện với đánh giá tập thể, cá nhân.
Tại huyện Tứ Kỳ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị là một trong những khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2020-2025. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, trong huyện có 3 tổ chức đảng và 97 đảng viên vi phạm bị kỷ luật. Huyện Tứ Kỳ cũng đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác của một số đồng chí Chủ tịch UBND xã có năng lực hạn chế. Ban Thường vụ Huyện ủy nghiêm túc gợi ý kiểm điểm đối với những tập thể và cá nhân cán bộ có dư luận gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân hoặc thực hiện nhiệm vụ đạt kết quả thấp... Thực hiện tốt khâu đột phá trên đã góp phần quan trọng phòng ngừa vi phạm, phát sinh những vụ việc phức tạp và đánh giá đúng cán bộ.
Đồng chí Vũ Xuân Đạt, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tứ Kỳ cho biết: “Từ năm 2021 đến nay, huyện xác định và thực hiện 8 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá; giao 535 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá cho tập thể và cá nhân diện Huyện ủy quản lý. Thực hiện khâu đột phá, công việc đột phá là thước đo quan trọng để đánh giá hiệu quả công việc, mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Đây cũng là cách làm hay để thúc đẩy đội ngũ cán bộ khẳng định bản lĩnh, phát huy năng lực, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung”.
Thực hiện công việc đột phá dần trở thành phong trào thi đua thiết thực và bước đầu lan tỏa, tạo hiệu quả thực chất. Trong 2 năm 2022 và 2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã phê duyệt tổng số 248 công việc đột phá, sáng tạo cho 96 đồng chí là Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các đồng chí lãnh đạo, quản lý là cấp trưởng diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Hằng năm, mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý từ cấp phó trưởng phòng trở lên ở Hải Dương cũng phải có bản đăng ký nêu gương, trọng tâm là khắc phục hạn chế của năm trước, đăng ký 1-2 công việc đột phá, sáng tạo để thực hiện. Kết quả cụ thể của việc thực hiện đã đăng ký là căn cứ quan trọng để đánh giá, xếp loại cán bộ. Ở trong tỉnh đã có một số trường hợp cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý bị bố trí công tác khác vì không hoàn thành nhiệm vụ mà chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời gian bổ nhiệm.
Nâng cao chất lượng đánh giá cán bộ giúp công việc ở các địa phương, cơ quan, đơn vị có chuyển biến tích cực. Trong ảnh: Tuyến đường huyện Cao Thắng - Tiền Phong (Thanh Miện) là một trong những công trình trọng điểm cấp huyện hoàn thành sớm nhất trong tỉnh. Ảnh: ĐỖ QUYẾT
Thực hiện “5 rõ”
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, huyện Thanh Miện đã triển khai 5 dự án giao thông trọng điểm để tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, trong đó Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường huyện Cao Thắng - Tiền Phong với chiều dài gần 5 km, tổng kinh phí đầu tư trên 45 tỷ đồng được hoàn thành ngay từ tháng 12.2021. Đây là một trong những công trình trọng điểm cấp huyện hoàn thành sớm nhất trong tỉnh.
Theo đồng chí Nguyễn Thế Tài, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Miện, cùng với thực hiện các công trình, dự án trọng điểm thì thực hiện tốt “5 rõ” tạo chuyển biến tích cực trong các mặt công tác, nhất là trong đánh giá cán bộ. “Ban Thường vụ Huyện ủy Thanh Miện đã ban hành quy định về tiêu chí và quy trình đánh giá, xếp loại cán bộ diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý theo hướng xác định cụ thể công việc, bảo đảm lấy chất lượng, hiệu quả hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao để đánh giá phẩm chất, năng lực của cán bộ. Công tác đánh giá cán bộ cũng được thực hiện công khai, minh bạch để phát huy vai trò giám sát, tham gia ý kiến của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân”, đồng chí Nguyễn Thế Tài cho biết.
Ở trong tỉnh, thực hiện tốt “5 rõ” cũng chính là giải pháp hiệu quả để các cơ quan, đơn vị, địa phương hoàn thành tốt nhiệm vụ. Điển hình như tại Sở Giao thông vận tải, việc phân công thực hiện nhiệm vụ trong cải cách hành chính, trọng tâm là giải quyết thủ tục hành chính là giải pháp quan trọng giúp đơn vị nhiều năm liên tiếp dẫn đầu khối sở, ban, ngành trong bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính.
Cùng với thực hiện “5 rõ” thời gian gần đây, việc đánh giá cán bộ ở Hải Dương được thực hiện theo hướng xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí và bằng sản phẩm cụ thể. Từ cuối năm 2021 đến nay, khi thực hiện quy trình công tác cán bộ, cán bộ trong tỉnh được bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử vào chức vụ cao hơn (từ phó trưởng phòng cấp huyện và tương đương trở lên) phải xây dựng và trình bày chương trình hành động. Việc xây dựng chương trình hành động giúp cán bộ định hình từ sớm được nhiệm vụ được giao.
Nội dung đánh giá cán bộ ở Hải Dương cũng được gắn với kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; gắn với học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương. Hằng năm, cùng với kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng tập thể, cá nhân, cấp ủy cấp trên ở Hải Dương còn gợi ý kiểm điểm ở những nơi có biểu hiện yếu kém, hạn chế. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã gợi ý kiểm điểm 4 tập thể, các ban thường vụ cấp ủy cấp huyện gợi ý kiểm điểm 129 tập thể, 195 cá nhân. Hạn chế, khuyết điểm của tập thể được gắn với trách nhiệm từng cá nhân phụ trách, đồng thời đánh giá trách nhiệm liên đới của người đứng đầu.
Đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy đánh giá với những biện pháp cụ thể, đồng bộ, chất lượng trong nửa nhiệm kỳ qua, hiệu quả công tác đánh giá cán bộ đã được nâng lên rõ rệt. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý trong tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực trong nhận thức, ý thức trách nhiệm với công việc. Nhiều hạn chế, khuyết điểm của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã kịp thời được khắc phục, nhiều vụ việc tồn đọng kéo dài được xử lý dứt điểm. Những kết quả đạt được là tiền đề quan trọng để Hải Dương tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh.
-------------------------------------------
Kỳ sau: Mạnh tay trấn áp, đẩy lùi tội phạm
HOÀNG BIÊN