Thành tựu sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng: Bài 6 - Vượt chỉ tiêu tỷ lệ bác sĩ/vạn dân

11/07/2023 05:48

Tỷ lệ bác sĩ/vạn dân tại Hải Dương hiện đã vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra và gần tiệm cận mục tiêu định hướng đến năm 2030.


Trình độ chuyên môn của đội ngũ bác sĩ ở Hải Dương ngày càng nâng lên, làm chủ được nhiều kỹ thuật chuyên sâu, kỹ thuật hiện đại trong điều trị, chăm sóc bệnh nhân

Nhờ thực hiện nhiều giải pháp nên Hải Dương đã vượt chỉ tiêu tỷ lệ bác sĩ/vạn dân so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra, chất lượng đội ngũ bác sĩ không ngừng nâng lên, từng bước đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Chất lượng ngày càng nâng lên

Thông tin do cán bộ Phòng Tổ chức hành chính Sở Y tế Hải Dương cho biết tính đến thời điểm này, tỷ lệ bác sĩ/vạn dân của tỉnh là 10,8, vượt 0,8 bác sĩ so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra đến năm 2025 và gần tiệm cận mục tiêu định hướng đến năm 2030 (11 bác sĩ/vạn dân). Tỷ lệ này cao hơn tỷ lệ bình quân chung toàn quốc (9,4 bác sĩ/vạn dân).

Chất lượng đội ngũ bác sĩ tại Hải Dương không ngừng nâng lên. Trong số hơn 7.200 người đang công tác tại các cơ quan, đơn vị y tế công lập thuộc Sở Y tế Hải Dương hiện có 1.415 bác sĩ, trong đó có 10 tiến sĩ, 76 bác sĩ chuyên khoa II, 105 thạc sĩ, 375 bác sĩ chuyên khoa I...

Tiến sĩ, bác sĩ Lê Quang Đức, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hải Dương cho biết những năm gần đây, các bác sĩ bệnh viện đã tiếp cận và triển khai thuần thục nhiều kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên sâu mà trước đây chưa làm được như mổ nội soi tuyến giáp, can thiệp tim mạch, xạ trị ung thư, nội soi cắt dạ dày, cắt đại tràng, thay khớp gối, khớp háng…

“So với nhiệm kỳ trước thì chất lượng đội ngũ bác sĩ của bệnh viện đã nâng lên nhiều. Tỷ lệ bệnh nhân chuyển tuyến trên giảm, thời gian điều trị trung bình của bệnh nhân tại bệnh viện được rút ngắn hay những vụ biến chứng y khoa ngày càng ít đã chứng minh điều này”, bác sĩ Đức nói. 

Tháng 7.2021, đoàn công tác số 1 của Hải Dương với 41 cán bộ, nhân viên y tế do bác sĩ Nguyễn Thế Anh, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Hải Dương làm trưởng đoàn từng vào hỗ trợ TP Hồ Chí Minh chống dịch. Đoàn thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19 tại khối nhà B2 Bệnh viện dã chiến số 7 thuộc khu tái định cư phường An Khánh, TP Thủ Đức. Thời điểm đó, hằng ngày tòa nhà B2 bệnh viện dã chiến này là một trong 3 cơ sở đón lượng bệnh nhân nhiều nhất TP Hồ Chí Minh. Mặc dù số nhân viên y tế tại đây chỉ bằng 2/3 so với những cơ sở khác nhưng trong 89 ngày, đoàn công tác của tỉnh Hải Dương đã chăm sóc, điều trị cho hơn 3.000 bệnh nhân.

“Bộ Y tế và TP Hồ Chí Minh đánh giá cao năng lực chuyên môn của đoàn. TP Hồ Chí Minh nhận thấy mô hình Bệnh viện dã chiến số 7 tiết kiệm được con người nhưng hoạt động hiệu quả. Vì thế họ đã nhờ đoàn công tác của tỉnh Hải Dương hướng dẫn tổ chức lực lượng chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19 áp dụng cho tất cả các cơ sở y tế khác, góp phần khắc phục được tình trạng thiếu nhân lực y tế”, bác sĩ Thế Anh chia sẻ.

Chất lượng đội ngũ bác sĩ tại các Trung tâm Y tế tuyến huyện ở Hải Dương cũng đang từng ngày được nâng lên. Họ đã tiếp cận, triển khai nhiều kỹ thuật y tế chuyên sâu do các bệnh viện hai tuyến tỉnh và Trung ương chuyển giao và áp dụng vào thực tế.

Hơn 10 năm qua, Hải Dương đã thu hút được 285 bác sĩ, dược sĩ đại học về công tác tại tuyến y tế cơ sở. Từ 2019-2022, Hải Dương đã cử đi đào tạo 1 tiến sĩ y khoa, 58 bác sĩ chuyên khoa II, 7 dược sĩ chuyên khoa II. 45 người hoàn thành các khóa học và đã được UBND tỉnh hỗ trợ đào tạo.


Tỷ lệ bác sĩ/vạn dân ở Hải Dương đã sớm vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025 

Sớm giải quyết những “vùng trắng”

Hải Dương đã sớm vượt mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra về tỷ lệ bác sĩ/vạn dân. Song, xung quanh nguồn nhân lực ngành y thì vẫn còn đó những “vùng trắng” cần sớm giải quyết để bảo đảm đáp ứng nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ nhân dân trong bối cảnh tình trạng già hoá dân số đang diễn ra ngày càng rõ nét. 

Tình trạng thiếu nhân lực ngành y ở Hải Dương vẫn đang diễn ra, nhiều nơi vẫn thiếu bác sĩ. Theo Sở Y tế, năm 2023, nhân lực thuộc hệ thống y tế công lập của tỉnh được giao 58 công chức và 8.613 viên chức. Nhưng đến hết tháng 3 năm nay, toàn ngành mới có 53 công chức (đạt 91,4%) và 7.162 viên chức (đạt 83%). Số lượng cán bộ y tế ở các đơn vị được giao chưa đạt định mức tối thiểu theo quy định.

Tình trạng nhân viên y tế, trong đó có các bác sĩ chuyên môn vững xin nghỉ việc đang trở nên phổ biến trong 2-3 năm gần đây. Năm 2021, Hải Dương có 90 nhân viên y tế xin thôi việc, trong đó có 28 bác sĩ. Từ năm 2022 đến tháng 4.2023, tỉnh tiếp tục có 79 nhân viên y tế xin nghỉ việc, trong số này có 24 bác sĩ.

Hải Dương hiện còn 51 trong tổng số 235 trạm y tế cấp xã chưa có bác sĩ. Tỷ lệ trạm y tế có bác sĩ cơ hữu toàn tỉnh chỉ đạt 78,3%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ bình quân chung toàn quốc (95%). “Nhiều năm nay, địa phương không tuyển được bác sĩ về công tác tại trạm y tế. Nếu cứ đà này thì dự kiến đến năm 2035, thị xã Kinh Môn sẽ hết bác sĩ làm việc ở tuyến xã”, Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Kinh Môn Hoàng Văn Tiến thông tin.


Cơ sở hạ tầng tại nhiều cơ sở y tế trong tỉnh đã xuống cấp, trang thiết bị còn thiếu, chưa đồng bộ là nguyên nhân khiến môi trường làm việc của bác sĩ bị bó hẹp, khó thu hút nhân lực từ tuyến trên về. Trong ảnh: Một góc Khoa Nhi Trung tâm Y tế huyện Gia Lộc

Hệ thống y tế tại Hải Dương hiện chưa theo kịp nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân. Hạ tầng tại nhiều cơ sở y tế đã xuống cấp, trang thiết bị vừa thiếu, vừa lạc hậu, không triển khai được nhiều kỹ thuật cao, chuyên sâu. Điều này làm tăng tỷ lệ bệnh nhân chuyển tuyến, khiến các cơ sở càng khó khăn trong tự chủ tài chính; nhân viên y tế có trình độ chuyên môn cao không phát huy được tay nghề, dễ xin nghỉ việc.

Bác sĩ Lê Quang Đức cho rằng: “Cần thiết nhất vẫn là sớm ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đầu tư các trang thiết bị kỹ thuật tốt nhất cho các cơ sở y tế. Khi có môi trường làm việc tốt, việc thu hút và giữ chân bác sĩ sẽ không quá khó khăn”.

Nhiều ý kiến cho rằng, Hải Dương cần sớm hoàn thiện quy hoạch phát triển tổng thể ngành y tế Hải Dương đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Từ đó xác định được nhu cầu nhân lực, đề ra giải pháp thu hút phù hợp. Tiếp tục thực hiện chính sách thu hút, tuyển dụng bác sĩ, dược sĩ đại học và thực hiện Nghị quyết về “chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và hỗ trợ đi đào tạo sau đại học, thưởng phong học hàm, tặng danh hiệu đối với cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh” HĐND tỉnh đã thông qua từ năm 2019.
-----------------------------------------
Kỳ sau: Đổi mới trong đánh giá cán bộ

TIẾN MẠNH




 Thành tựu sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng: Bài 4 - Cơ cấu lao động chuyển dịch phù hợp

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thành tựu sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng: Bài 6 - Vượt chỉ tiêu tỷ lệ bác sĩ/vạn dân