Trong căn lán tạm dựng ở cánh đồng thuộc thôn Trúc Lâm, xã Hoàng Diệu, huyện Gia Lộc (Hải Dương), bà Phạm Thị Hạp (77 tuổi) đang phải sống trong sự cô quạnh và nỗi cơ cực bủa vây. Bà không biết cậy nhờ ai vì cả 4 người con trai đều đã đột tử.
Suốt buổi trò chuyện cùng phóng viên Báo Hải Dương và lãnh đạo địa phương về hoàn cảnh bi ai của mình, bà Hạp lúc nào cũng khóc, khiến những người ngồi đối diện thật khó kìm lòng. "Trẻ cậy cha, già cậy con nhưng với tôi thì chẳng được nhờ vả ai vì cả 4 đứa con trai đều đã mất cả rồi", bà Hạp nghẹn ngào.
Ông Trần Huy Hào, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Trúc Lâm cho biết ở xã Hoàng Diệu, kể cả những xã lân cận có lẽ hiếm có một trường hợp nào khốn khó như bà Hạp. Vợ chồng bà sinh được 4 người con trai, con trai út đột tử từ khi mới lên 4 tuổi. 3 người con trai còn lại sau khi lấy vợ, sinh con rồi cũng lần lượt đột tử khi tuổi đời còn trẻ. Cách đây nhiều năm, chồng bà Hạp đã qua đời.
Bà Hạp kể, vợ chồng bà có gần 800 m² đất thổ cư, sau chia cho các con. Trước đây, bà ở nhà người con dâu cả. Tuy nhiên, chị này sau đó bán đất và chuyển đi ở nơi khác. Con dâu thứ 3 tái giá, có con riêng, xây nhà ở trên mảnh đất được chia. Người con dâu thứ 2 thì các con còn nhỏ, hoàn cảnh cũng rất khó khăn nên không lo được cho mẹ chồng.
Năm 2022, người con dâu cả của bà Hạp sử dụng một phần đất thầu khoán dựng cho mẹ chồng một căn lán tạm bằng tôn giữa cánh đồng để ở. Kể từ đó, cuộc sống của bà cô quạnh, cơ cực. "Lúc đầu thì con dâu cả cho tôi mỗi tháng 300.000 đồng nhưng sau thì không thấy cho nữa. Các con dâu, các cháu gần như rất hiếm khi thăm nom, quan tâm, họa hoằn lắm mới mang cho ít hoa quả, cái ngô luộc. Anh em họ hàng cũng gần như chẳng giúp được gì", bà Hạp ngậm ngùi.
Vì không có thu nhập, cũng chưa đến tuổi để được hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng của Nhà nước nên bà Hạp thường xuyên phải đi kiếm sống bằng nghề mò cua, bắt ốc. Bà đem những thứ bắt được ra chợ bán nhưng nhiều nhất cũng chỉ thu về khoảng 20.000 đồng để trang trải cuộc sống. Ở gần nhà bà Hạp có một doanh nghiệp thường phát gạo miễn phí cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn vào thứ bảy hằng tuần, mỗi hộ được 3 kg/lần. Bà Hạp đi xin gạo ở đó nhưng tuần được, tuần không vì hết phiếu.
Mấy tháng nay, sức khỏe của bà Hạp yếu đi nhiều do suy nghĩ và mắc một số bệnh như tiền đình, cao huyết áp, tiểu đường. Bà không còn thường xuyên đi mò cua, bắt ốc được như trước mà chỉ có thể quanh quẩn trồng rau xung quanh căn lán tạm hay đi kiếm củi, chất đốt quanh làng.
Tuổi già, sức khỏe yếu, sống đơn độc giữa bộn bề khốn khó nhưng phía trước bà Hạp vẫn còn một nỗi trăn trở rất lớn. "Căn lán tạm này đang làm trên đất sản xuất nông nghiệp. Nếu bây giờ chính quyền bắt tháo dỡ thì tôi biết sẽ phải đi đâu, về đâu", bà Hạp chia sẻ.
Ông Phạm Năng Ngà, Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Diệu cho biết hoàn cảnh của bà Hạp rất khó khăn. Chính quyền địa phương cũng rất trăn trở về trường hợp này. Tuy nhiên, ngoài việc ưu tiên chuyển, tặng các phần quà nhân các dịp lễ, Tết của các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và nhà hảo tâm cho bà, địa phương cũng chưa có nguồn lực nào khác giúp đỡ. Do đó, rất cần sự chia sẻ, chung tay của xã hội, nhất là các doanh nghiệp, nhà hảo tâm để giúp bà Hạp thoát khỏi hoàn cảnh đáng thương này.
Mọi sự ủng hộ, giúp đỡ bà Hạp xin liên hệ theo số điện thoại của ông Trần Huy Hào, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Trúc Lâm: 0986.152.069.
BÌNH MINH