Tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ khóa mới ngày 15.4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra nhiều thông điệp quan trọng thể hiện tầm nhìn và phương thức hành động của Chính phủ mới.
Ấn tượng nhất có lẽ là 3 thông điệp không làm thay, hành động phải có thể chế và lắng nghe phản biện.
Thông điệp thứ nhất, Chính phủ sẽ không làm thay. Đùn đẩy công việc lên cho Chính phủ đang là một vấn đề rất lớn của nền quản trị quốc gia. Xã xin ý kiến huyện; huyện xin ý kiến tỉnh; tỉnh xin ý kiến bộ; bộ xin ý kiến Chính phủ là những gì đang thật sự diễn ra hằng ngày.
Có vẻ như không ai dám quyết vì không ai dám chịu trách nhiệm hoặc không ai dám quyết, vì không ai nắm sâu vấn đề, không ai nắm sâu các quy định của pháp luật. Cách làm này đang vô hiệu hóa chế độ trách nhiệm, gây ách tắc vô tận cho công việc và giết chết sự năng động của các cấp, các ngành.
Không làm thay, Chính phủ mới có thời gian cho những công việc ở tầm quốc gia đại sự như hoạch định chiến lược, hoạch định chính sách và pháp luật. Ở đây quan trọng là phải phân cấp, phân quyền cho thật rõ, như Thủ tướng đã nhấn mạnh.
Đồng thời quan trọng không kém là phải phân định cho được giữa hành pháp - chính trị và hành chính - công vụ. Chính phủ là hành pháp - chính trị; bộ máy thừa hành là hành chính - công vụ. Hành pháp - chính trị chỉ chịu trách nhiệm về đường lối chính trị, về chính sách, pháp luật. Hành chính - công vụ chịu trách nhiệm về việc thực thi chính sách, pháp luật.
Ban hành chính sách, pháp luật và thực thi chính sách, pháp luật là hai công việc khác nhau, đòi hỏi những năng lực khác nhau. Để tránh lẫn lộn, nên chăng cần cải cách hệ thống hành chính - công vụ và thiết lập các chức danh tổng công vụ trưởng, quốc vụ khanh như nhiều nước trên thế giới.
Thông điệp thứ hai: muốn hàng triệu người hành động phải có thể chế. Đây là thông điệp Thủ tướng chỉ nói thoáng qua trong phát biểu của mình. Tuy nhiên, đó là một thông điệp hết sức quan trọng. Thể chế chính là tổ hợp của một loại hành vi nhất định.
Ví dụ, thể chế thị trường gồm: hành vi mua, hành vi bán, hành vi quảng cáo, hành vi môi giới... Các hành vi này có thể được điều chỉnh bởi pháp luật, nhưng cũng có thể được điều chỉnh bởi đạo đức, bởi truyền thống và phong tục, tập quán.
Khi thể chế tốt thì các hành vi xảy ra trong trật tự, trong hài hòa, lòng tin được xác lập, chi phí được cắt giảm. Và đây là nguyên nhân sâu xa nhất tại sao thể chế tốt dẫn đến sự hòa bình và thịnh vượng.
Đây cũng là lý do tại sao Đảng ta coi cải cách thể chế là một trong những đột phá chiến lược quan trọng nhất. Tập trung xây dựng thể chế tốt là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Chính phủ mới. Tuy nhiên, thể chế không chỉ là những quy phạm pháp luật.
Thể chế còn là các quy phạm đạo đức, là phong tục tập quán, đặc biệt còn là năng lực vận hành. Năng lực vận hành thể chế có lẽ đang là khâu yếu nhất và ít được quan tâm nhất hiện nay. Để hàng triệu người hành động vì vậy quan trọng nhất hiện nay là phải nâng cao năng lực vận hành thể chế.
Thông điệp thứ ba: thành viên Chính phủ phải nghe ý kiến nhiều chiều, nhất là các ý kiến phản biện. Các góc nhìn khác nhau sẽ mang lại những nhận thức khác nhau về sự vật. Vấn đề không phải là công nhận một góc nhìn nào đó mà là tập hợp được tất cả các góc nhìn này. Ai sẽ phải đảm nhận công việc này nếu không phải là các thành viên Chính phủ?
Tập hợp được các góc nhìn sẽ có được bức tranh chân thật nhất về sự vật. Lắng nghe nhiều chiều sẽ thấy được đầy đủ nhất về các được - mất của chính sách. Việc hoạch định chính sách nhờ đó sẽ tránh được sự độc đoán; hiệu quả của chính sách nhờ đó sẽ được tăng cường.
Trên đây chỉ là ba trong số khá nhiều thông điệp được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra, có thể chưa phải là những thông điệp quan trọng nhất của ông bởi chỉ mới là cuộc họp Chính phủ đầu tiên. Song nếu thực hiện đúng những chủ trương như vậy ắt sẽ có những thay đổi mới cho nền quản trị quốc gia.
Theo Tuổi trẻ