Gần đây, hình ảnh chụp lá đơn với thông tin ban đầu được cho là của một phụ huynh có con đang học lớp 2 ở huyện Thoại Sơn (An Giang) lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội (MXH).
Theo đó, phụ huynh cho rằng con mình đang học lớp 2 nhưng “càng học càng ngu”, chỉ biết đọc vài chữ cái, không biết viết nên đề nghị lãnh đạo trường cho con xuống học lớp 1.
Thông tin gây sốc này nhanh chóng được cơ quan chức năng và báo chí vào cuộc xác minh. Theo thông tin trên báo Tuổi trẻ, phụ huynh có mang chuyện này nhờ luật sư giúp.
Khi nội dung đơn đã viết xong nhưng phụ huynh chưa ký tên thì bị đưa lên MXH. Họ tên, địa chỉ lớp, trường học của học sinh và họ tên, tuổi, địa chỉ của phụ huynh ở lá đơn lan truyền trên MXH không được làm mờ.
Một số báo đăng lại hình ảnh lá đơn này song cũng không làm mờ phần thông tin cá nhân của học sinh. Sự việc lùm xùm này rồi cũng lắng xuống nhưng cái còn đọng lại là tinh thần của học sinh và gia đình em bị ảnh hưởng xấu khi những thông tin cá nhân, bí mật đời tư (BMĐT) không được bảo vệ.
Trong thời đại số, những thông tin BMĐT bị đưa lên mạng internet gây ra hậu quả khôn lường, ảnh hưởng tới uy tín, danh dự, có thể gây sang chấn tinh thần nặng nề. Nhiều người bị ảnh hưởng không chịu được áp lực nên tự vẫn.
Tháng 3.2018, một nữ sinh THPT ở huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) tự tử vì hình ảnh nữ sinh này hôn một nam sinh bị đăng lên MXH. Trước đó, năm 2015, một nữ sinh ở tỉnh Đồng Nai tử vong do tự uống thuốc diệt cỏ vì bị bạn trai tung clip quan hệ tình dục lên MXH.
Trong thời đại số, không chỉ có các cá nhân muốn khai thác thông tin cá nhân, BMĐT của người khác, mà các tổ chức cũng muốn sở hữu, sử dụng các thông tin này. Đó là các tổ chức tạo lập, kinh doanh các tiện ích, ứng dụng trên môi trường mạng, các doanh nghiệp kinh doanh qua kênh thương mại điện tử...
Một số ý kiến cho rằng thông tin của khách hàng (trong đó có cả thông tin BMĐT) với doanh nghiệp trong thời đại số chẳng khác gì tiền đối với ngân hàng. Ngày nay, khi một người sử dụng các ứng dụng, tiện ích trên mạng thường kèm theo điều kiện là phải cho phép ứng dụng đó có quyền truy cập thông tin riêng tư của người đó như danh bạ điện thoại, hình ảnh, địa chỉ mail...
Từ những thông tin này, những tổ chức sử dụng các ứng dụng, tiện ích sẽ biết được các thông tin riêng tư của khách hàng để phục vụ mục đích của mình như gửi quảng cáo, nghiên cứu xu hướng tiêu dùng, chuyển thông tin cho đối tác…
Hiện nay, đa phần người dùng không biết rõ, không kiểm soát được các thông tin cá nhân của mình được khai thác, sử dụng như thế nào, vì mục đích gì, có gây hại gì cho bản thân mình không. Đây là một nguy cơ dễ dẫn tới lộ, lọt các thông tin BMĐT.
Trong cuốn sách bán chạy mang tên “Sống sao trong thời đại số?”, hai tác giả Eric Schmidt và Jared Cohen cho rằng: “Công nghệ truyền thông chúng ta sử dụng ngày nay có bản chất là xâm phạm đời tư, nó thu thập hình ảnh, lời bình và bạn bè của chúng ta đưa vào những kho dữ liệu khổng lồ mà người truy cập có thể dễ dàng tìm kiếm…”. Theo các tác giả, trong tương lai, một dịch vụ bảo hiểm nhân thân trên mạng để chống nạn trộm cắp, mạo danh, tấn công nhân thân có thể xuất hiện.
Để hạn chế tác động tiêu cực của cách mạng số, Liên minh châu Âu đã có quy chế chung về bảo vệ dữ liệu. Theo quy chế này, người dùng có quyền được biết về mục đích sử dụng dữ liệu cá nhân, được tiếp cận thông tin cá nhân sau xử lý dữ liệu…
Tại nước ta, quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân đã được ghi trong Hiến pháp và nhiều luật chuyên ngành. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật về việc này chưa đầy đủ và việc thực hiện các quy định trong thực tế còn nhiều hạn chế. Trong lúc quy định pháp luật và thực tế cuộc sống còn bất cập, mỗi người khi sử dụng mạng nên tỉnh táo, cẩn trọng để tự bảo vệ mình.
NINH TUÂN